Viết như một công dân thế giới

INRASARA, VIẾT NHƯ MỘT CÔNG DÂN THẾ GIỚI
Ngọc Lan thực hiện.

Làm thơ, viết tiểu luận, giờ chuyển sang địa hạt tiểu thuyết – một cách tự làm mới mình chăng?
Inrasara: Tôi từng làm bộn việc khác nhau: làm ruộng, trồng nho, đứng quán cà phê, đi buôn lẻ, thú y, dạy học,…Hoạt động chữ nghĩa cũng thế: nghiên cứu ngôn ngữ-văn chương Chăm, dịch, làm thơ, viết tiểu luận-phê bình, truyện ngắn và rồi, tiểu thuyết nữa. Không vấn đề gì cả! Như là một khoảng nghỉ ngơi tích cực bằng thay đổi công việc. Nó làm giàu vốn sống ta, đa dạng ngôn ngữ ta,… Qua đó ta đánh thức tiềm năng ẩn giấu, biết đâu đấy. Vài vấn đề, thơ không thể nói hết trong hình thức cô đọng [ngắn] của mình; tiểu thuyết giải quyết được nó. Cứ cho là thế. Tôi cũng sắp xong tiểu thuyết cả ngàn trang nữa mà!

Lối tư duy của Tháp nắng, Lễ tẩy trần tháng Tư… có giúp được gì (hay gây khó dễ) cho anh trong quá trình cấu trúc một tiểu thuyết? Và anh quan niệm thế nào về tiểu thuyết và công việc viết tiểu thuyết?
Inrasara: Trong sáng tạo, kinh nghiệm là thứ ơi là thừa. Kinh nghiệm hay trí thông minh cùng lắm giúp ta tránh đẻ tác phẩm trung bình hay yếu kém, ngoài ra không giúp gì cho tập thơ, tiểu thuyêt hay hơn. Tháp nắng, Hành hương em,… không đỡ đần được cho Lễ tẩy trần tháng Tư. Mỗi bắt đầu là một khó khăn mới, thử thách mới. Vậy thôi. Cùng hay khác thể loại, chuyển từ thể loại này sang khác cũng thế.
Quan niệm: tiểu thuyết, ngoài khám phá tâm hồn con người trong cách thế khác, còn là kho lưu trữ sinh hoạt một dân tộc trong thời đại đó, vừa đứng biệt lập vừa bổ sung cho thiếu hụt của lịch sử. Làm tốt chức năng đó, hình thức tiểu thuyết cũng cân được thay đổi/trương nở để đáp ứng trúng nhịp thời đại mình đồng thời với mỗi đề tài mà nó nhắm tới. Công việc: viết tiểu thuyết nhọc [cho thể chất] hơn làm thơ.

Anh có thể nói rõ hơn về tuyên ngôn: “Hãy viết như một công dân thế giới”?
Inrasara: Tôi có tuyên ngôn như thế đâu mô! Một nhân vật trong Chân dung Cát nói đấy chứ. Nhưng dù sao tôi cũng đồng ý với hắn.
Chủ nghĩa hậu hiện đại (Post-modernism) quyết đánh đổ đại tự sự (grands récits, từ dùng của Lyotard), để thay vào đó bằng các tiểu tự sự (petits récits). Cá nhân/cộng đồng kể chuyện về mình, suy tư, phản ứng hay hành động đầy riêng tư trước vấn đề cụ thể mà thế giới đặt ra cho mình/cộng đồng mình. Bên cạnh, nó luôn ý thức “có” thế giới.
Nó không lo lắng cho thế giới chung chung, nó lo cho bản thân nó trong mối tương quan rộng lớn với thế giới. Khi tự lo cho mình rốt ráo, là nó đã góp phần cho nhân loại. Ví như khi ta trồng cây trong khuôn viên nhà ta, nhắc anh em ta chớ phá rừng là ta đã giúp thế giới bảo vệ môi trường rồi.

Viết như một công dân thế giới là phá bỏ bức ngăn văn chương ngoại vi với văn chương [lâu nay được cho là] trung tâm. Là chặt đứt thứ tư duy chật hẹp như thể quyết một lần cho mọi lần bước ra khỏi ao làng chật chội từng gò bó lối viết ta [yêu say đắm làng mình nhưng phải bước ra khỏi nó]. Là từ bỏ mặc cảm nước nhược tiểu, mặc cảm ngôn ngữ nhược tiểu, phức cảm tự tôn-tự ti dân tộc: chúng ta học tập thế giới và sẵn sàng cống hiến trở lại cái tinh túy nhất của chúng ta cho văn chương thế giới.

– Chân dung Cát được viết theo lối hậu hiện đại, với một cấu trúc truyện trong truyện. Trong tiểu thuyết, anh để cho các nhân vật của mình “lộ hết trọi”, không còn nút thắt với mở – cái mánh khoé lôi kéo người đọc ở lại trên trang văn. Nhưng cũng không vì thế mà các nhân vật của Chân dung cát trở nên đơn điệu. Bởi “đằng sau định mệnh của họ luôn có định mệnh khác, những định mệnh khác lồng vào, chồng lên, bí ẩn, ngẫu hứng và bấp bênh khôn lường…”. Dường như một trong những mối bận tâm của anh là “nói bằng giọng khác đi những vấn đề đã cũ” và anh cũng đang cố tạo ra một thi pháp riêng, nhưng đôi chỗ – có lẽ vì “nóng vội”, nên “chưa tới”?
Inrasara: Bảo vệ sáng tác phẩm mình là điều tối kị với tôi, trừ công trình nghiên cứu. Nhưng câu hỏi buộc tôi vào thế tự biện minh. Nói là nói cho, nói vì các sáng tác tương cận nữa. Có một phát biểu gần như đồng bộ của thế hệ đàn anh về các bạn thơ trẻ, đến nỗi thành sáo, nhàm và, nhảm: “Tôi không dị ứng với cái mới và có thể nói, luôn ủng hộ giới trẻ tìm tòi, cách tân. Nhưng tôi thấy “sự tìm tòi này chưa tới đâu cả”.
“Tới đâu” là tới đâu? Một nghệ sĩ sáng tạo nếu biết mình tới đâu thì có còn hứng thú sáng tạo không? Ngay nhóm Sáng Tạo, khi bắt đầu cuộc cách tân thơ ở miền Nam trong những năm 60, cũng đâu biết mình sẽ làm mới từ đâu và sẽ đi tới đâu! Mới trong Thơ Sáng Tạo là phải khác với “mới” của Thơ Mới. Mới trong thơ hôm nay là tìm lối đi lạ hơn lối đi mà đàn anh đã đi hôm qua. Đừng nói cho to tát: chôn phứt quá khứ để lên đường. Mỗi thế hệ hãy nỗ lực làm khác đi. Thế thôi!
Bạn đọc đón nhận cái mới hay không và đón nhận tới đâu, tùy. Một tác phẩm mang tính khai phá luôn vượt ngoài tầm mong đợi (horizon of expectations) của người đọc đương thời. Nó đòi hỏi hai phía cùng tham dự phiêu lưu. Lắm lúc cuộc đi không dẫn “tới đâu cả”, nhưng người đọc có thể thú vị ngay trong hành trình nhọc nhằn ấy.
Nữa! Tôi có “nóng vội” đâu mô? Tôi viết Chân dung Cát mất 15 năm đoạn trường cơ mà.

Sinh tại làng Chăm Chakleng (tỉnh Ninh Thuận), được nuôi dưỡng bởi bầu sữa Chăm với những truyền thuyết Rồng liếm, những Ariya Glơng Anak, Ariya Bini – Cam, Pauh Catwai… , nên dễ thấy xuyên suốt sáng tác của Inrasara là mạch cảm hứng bất tận về con người Chăm – số phận Chăm – văn hóa Chăm, và cả những bước vật vã, chuyển mình đầy nhọc nhằn của xã hội Chăm nhỏ bé trong cơn lốc toàn cầu hóa.
Và rồi không khỏi có lúc (như một hệ quả tất yếu của cơn lốc hiện đại hóa) nhà thơ thiểu số ấy bỗng giật mình “kinh hoàng chợt thấy mình bật rễ và bị vứt vào khoảng rỗng” (“Một sáng thức giấc/ Tôi bỗng nghe kinh hoàng khi cảm thấy mình không thể/ viết được dễ dàng một câu thơ tiếng Chăm nữa/ và tôi đã khóc”)?
Trong tiểu thuyết, anh cũng đặt ra những vấn đề vĩ mô như bản sắc dân tộc, hay là tính dân tộc trong sáng tác. Nhưng làm thế nào để hài hòa giữa nhu cầu phát triển và mục đích bảo tồn? Làm thế nào để người cầm bút thoát khỏi cảm giác bị “mất gốc”
?
Inrasara: Con người phiêu lưu và kẻ giữ kho trong tôi dường như nẩy ra cùng lúc, và song hành. Tôi là kẻ yêu say mê ngôn ngữ. Độ vang của lời có sức lôi cuốn tôi kì lạ, ngay từ thuở còn nhỏ. Tôi đến với thơ hay văn chương qua/với chữ. Ở đây tôi không đề cập ngôn ngữ hàn lâm, mà ngôn ngữ sống. Ngôn ngữ này đang rơi rụng. Tôi luôn bị hẫng khi bị tuột khỏi nó. Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của kẻ sáng tạo, có lẽ.
“Mất gốc” ư? Làm gì có mất gốc! Dù được xem là “kẻ lưu giữ văn hóa Chăm” qua các công trình dày cộm, nhưng tôi quan niệm bản sắc không như một cái gì bị đóng khung, khô cứng, tĩnh mà là một thực thể động, luôn luôn động. Cái chúng ta đang ra sức sáng tạo hôm nay, nếu hay, đẹp sẽ là bản sắc mới góp phần làm giàu sang văn hóa dân tộc ngày mai.

Trong Chân dung Cát, anh viết: “Càng hiếm hoi hơn nữa con người tuổi trẻ của ngày hôm nay chịu suy tư trong cô độc hơn là thích làm nổi bật mình nơi đám đông”. Trong tập tiểu luận có cái tên rất gợi – “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo”, anh cũng nói rằng: “Không phải người viết văn làm thơ hôm nay chưa thâm nhập đầy đủ vào thực tiễn cuộc sống của quần chúng lao động; không phải do chúng ta dốt, không đọc nhiều, kém tri thức về các trào lưu văn chương thế giới; không phải bởi thế hệ mới còn quá mỏng kinh nghiệm; càng không phải đại bận rộn tiêu mất quá nhiều thời gian của người viết, mà thiếu, nguyên nhân chính – sâu xa và nền tảng hơn, như là nguyên nhân của nguyên nhân – do kẻ sáng tạo chưa đầy đủ cô đơn. Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm chiều sâu…”. Song, để cô đơn được thì rất khó, khó vì nhiều lí do. Và, thậm chí, ngay cả việc lập ngôn về sự cô đơn cũng là… chưa đủ cô đơn rồi. Anh nghĩ sao?
Inrasara: Tôi phân “cô đơn” của kẻ sáng tạo làm 3 khu vực khá là rành rọt: trước, trong và sau khi tác phẩm xuất bản. Vì mãi nhăm nhăm vào khu vực 1: nhà văn tách khỏi tập thể, nên đã có vài ngộ nhận. Đó mới là cô đơn ở cấp độ một, đúng hơn – “cô độc”. Nói theo ngôn ngữ nhà Phật, nó chỉ dừng lại ở quả vị A-la-hán, dù đã bước sang bờ bên kia, nhưng chưa “trở lại” với cuộc người.
Cô đơn đúng nghĩa tức là tự do tức là sáng tạo. Đấy là tôi bắt chước lối nói của Krishnamurti: Cô đơn đầu tiên và cuối cùng. Là khoảng rỗng nơi tâm thức kẻ sáng tạo. Không phải ta sở hữu nó như thể trẻ con sở hữu hòn bi, mà chính nó chiếm hữu ta, ném ta vào khoảng rỗng vô định và đầy bất an của nó. Trước trang giấy trắng hay màn hình xanh nhạt, ta không còn nghe một giọng mơ hồ nào đó răn đe, thoát khỏi mọi nhắc nhở phải thế này hay không nên thế kia,… Ta LÀ một sinh thể tự do. Như thiền sư đạt đạo thơ ca, “thõng tay đi vào chợ, thong dong giữa miền cuộc đời”. Dẫu sống giữa xô bồ phố xá (với nhà văn: vẫn vào Hội, sinh hoạt hội nghị hội hè, hay nhậu nhẹt bù khú anh em,…) mà ta vẫn cô đơn. Cư ngụ trong khoảng rỗng đó (tôi có loạt bài: “Những ngày rỗng” trong Lễ tẩy trần tháng Tư), sáng tạo sẽ tuôn tràn.
Còn ở khu vực3: sau khi đứa con tinh thần của mình được ném ra ngoài mưa gió cuộc đời, hãy cứ mặc nó ra sao thì ra và đừng lo tìm cách bảo vệ nó trước búa rìu dư luận, nếu có. Đây là điều ít nhà văn trẻ hôm nay làm được. Tôi gọi đó là chưa cô đơn khi tác phẩm đã ra đời!

Anh có những suy tưởng rất nghiêm túc về nghề văn, như: “Văn chương đẩy ta ra xa bãi bờ buộc ta học nhìn mình từ bên ngoài, châm chọc ta cho ta biết mở trí xem nhẹ mình. Chức tước hay tên tuổi. Ria mép hay mụn nhọt. Mái tranh với lâu đài. Cốc bia ngoại hay chén rượu nội (…). Văn chương dạy ta xem thường nó, nhẹ hều một kiếp…”, nhưng liệu anh có quá đề cao sứ mệnh của văn chương không?
Inrasara: Sứ mệnh – có to tát quá không? Hãy đọc tiếp nhé: “Mấy trò nghiêm nghị đó, văn chương cười vào mũi. Cười nhạo thôi. Không mỉa mai sâu cay cũng chả chua chát căng thẳng bật máu mà làm gì cho nhọc cái tâm linh. Nó khoái hoạt. Nghĩa là chính văn chương cũng phải học không tự biến mình thành trầm trọng. Nó có khả năng tự cười mình. Cười mình to hơn cả.”

*
Báo Thế thao-văn hóa, 14.07.2006

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *