Ngày đang mở sáng, trường ca Trần Anh Thái

TRẦN ANH THÁI
KẺ ĐÁNH THỨC CON ĐƯỜNG
Đọc Ngày đang mở sáng, trường ca của Trần Anh Thái,
NXB Hội Nhà văn, H., 2007.

Khởi đi từ “đỉnh của ngày”, xuyên qua tầng tầng giấc mơ. Của bóng tối và ánh sáng, của đất và biển, đêm và ngày. Mất lửa, rối mù, gầy buồn, nguội, hỗn độn, biển không sóng, nhập nhoạng,… Sự mơ hồ và ánh sáng làm cuộc phân tranh trong thẳm sâu nỗi khát: nỗi khát Quê hương nơi trái tim thi sĩ trẻ. Thi sĩ là “con tàu khát gió” lên đường đi tìm nguồn cội của mình. Một nguồn cội như bị bỏ quên nơi vũng lầy kí ức, vừa quen vừa lạ.

Khởi đi từ “bình gốm xưa ông nội cất giữ mùa màng”, thi sĩ ra đi:

Tôi lang thang khắp cánh đồng tìm dấu chân tổ tiên
Mảnh đất im lìm tầng tầng máu đổ
… một ngàn năm ao tù
Một trăm năm cha ông dao, cuốc tìm đường
Gió hú tu tu miệng bình gốm cũ
.
Thi sĩ tình nguyện làm kẻ tình nhân của cô đơn. “Cô đơn nở sinh khát vọng”, khát vọng tìm đường. Nhưng đâu là con đường?

Lí tưởng và thực tại, ước mơ và hiện thực. Vừa mở mắt nhìn đời, tuổi trẻ Việt Nam của thế hệ thi sĩ bị đẩy tới giáp mặt với thực tế khốc liệt, một thử thách nghiêm trọng nhất của cuộc đời: chiến tranh và chết chóc. Tuổi trẻ bị ma sát và lăn tròn như hòn cuội giữa đại dương cuộc đời. Chưa được chuẩn bi. Không kịp chuẩn bị thứ hành trang tinh thần nào. Không cuối không đầu, đêm gào thét, khói chiều bay ngơ ngác, anh biền biệt chiến trường, giọng chị lạc chiều, nước mắt mẹ chảy khô đêm mưa rét mướt, vòm cây mất ngủ, giọng hát vỡ, ba lô sập mắt…

Như không thấy gì
Như không tồn tại
Như không có bạn
Như không có người

Chỉ còn “Tiếng đạn rơi / Dội vào câm lặng / Dội tầng đất sâu / Dội cõi vô cùng…”
Tất cả cuộn xoáy giữa cái chết lộ thiên. Cái chết lửng lơ, cái chết chợt đến gần chợt lùi xa, cái chết dai dẳng và nối hàng, cái chết réo gọi cái chết, tiễn đưa cái chết. Bình minh chết và giấc mơ chết. Bao nhiêu là xác chết, xác đồng đội, xác bằng hữu và xác quân thù. – Tất cả là xác người đồng loại!

Màn đêm lặng phắc bãi chiến trường
… Xác quân thù xác bạn gục vào nhau

Đây là hình ảnh kinh hoàng nhất, bi tráng nhất và nhân bản nhất trong trường ca Ngày đang mở sáng, chắc chắn thế! Sự thể nói lên sự khốc liệt của cuộc chiến, trận chiến giáp lá cà, trực diện, bom đạn đối mặt với bom đạn, hỗn loạn, một mất một còn, không bạn không thù, không anh không em, người chiến sĩ chỉ còn phân biệt đồng đội hay kẻ địch qua màu đồng phục! Để cuối cùng khi chiến cuộc đã vãn, “xác quân thù xác bạn gục vào nhau”, ta mới kinh hoàng nhìn lại. Nhìn lại bằng, qua, với đôi mắt con người.
Ta chợt nhớ chiến binh Arjuna xưa trong Kinh Bhagavad-Gita, khi ông đứng lặng nhìn hàng ngàn hàng vạn xác đồng đội, anh, em, chú, bác, thầy dạy, bạn bè,… cả hai phía, sau cuộc chiến bạo tàn nồi da xáo thịt đang bị màn đêm phủ xuống vây bọc. Tất cả nằm đó, làm Một, trong bóng tối chung của định mệnh người.
Nhưng, không như danh tướng Napoléon phát ra câu nói lạnh lùng băng giá, khi chứng kiến hàng ngàn chiến sĩ dưới tay ông bỏ xác lại ở bãi chiến trường: “Chỉ cần một đêm ái ân của thành phố Paris là đủ”, một phát ngôn nói lên đầy đủ suy nghĩ của kẻ “nhất tướng công thành vạn cốt khô” coi mạng sống con người không gì hơn phương tiện thỏa mãn tham vọng vô độ của mình; người chiến binh đầy khắc khoải về lẽ nhân sinh Arjuna ngược lại, đã hoát ngộ đạo lí tối thượng của cuộc sống.
Là thi sĩ đầy tình người và nhạy cảm về phận người, Trần Anh Thái có lối nhìn nhận khác. Đây tuyệt không phải là sự đánh đồng địch/ta, kẻ thù/đồng đội mà là điều gì cao vời hơn, sâu thẳm hơn: sự ưu tư về định mệnh dân tộc, khác đi – suy tư về nguồn cội. Về Quê hương, về cái Nhà – như là nơi cư trú của Tính thể con người trên mặt đất.

Nguồn cội khởi từ “bình gốm xưa” ở cái nôi văn minh lúa nước ven Sông Hồng, nơi bao phen “tiếng cuốc kêu đói lả cánh đồng”, chông chênh và đầy bất trắc.
Người thi sĩ đẩy suy tư lên đường – từ trước, trong và sau chiến tranh, cả khi “chiếc ba lô cất vào kí ức”. Cuộc hòa bình càng bấp bênh và bất trắc hơn, khó nắm bắt nghìn lần hơn. Với những vết thương không thể chữa trị, bao vết nứt cần hàn gắn, bao bỏ rơi và trách oán, cạm bẫy và sa đọa, phản bội và dối lừa,…
Chúng ta bị dối lừa trong lời tụng ca rối rắm, giấc mơ vấy đục
Thế nhưng cái thê thảm hơn cả chính là:

Vô cảm tiếng cười vô cảm ánh nhìn nhau

Nhưng dẫu thế nào đi nữa vẫn phải hi vong. Lạ! Dù ngôn ngữ thơ của trường ca có trĩu nặng như tù túng như bức bối ở Khúc I, II, II, IV, hay dù nhịp thơ khi gấp gáp khi quằn quại ở Khúc V, VI sau đó, hoặc cả lúc tác giả đau đáu suy tư, day dứt ở các Khúc cuối cùng, thế mà nơi chót mỗi Khúc của trường ca Ngày đang mở sáng, ta vẫn cứ nghe vang lên tiếng nói hi vọng:
“Ánh sáng rực lên”, “Người khai mở”, “Nắm tay em cất bước băng qua mấy lớp hàng rào”, “Đêm bừng sáng nụ cười con trẻ”,…

Cũng cần nói thêm, đây là trường ca mà tác giả từ chối kể chuyện theo trật tự thời gian, rù rì thứ lớp với các biến cố lịch sử trọng đại; dù người đọc vẫn có thể dễ dàng nhận ra nó được bố cục: trước, trong và sau chiến tranh – cuộc chiến thống nhất đất nước vừa qua. Với không nhiều chi tiết; hoặc có – nhưng khá vặt vãnh không đáng ghi vào sử sách. Chỉ những gì đã được sàng lọc qua kí ức phong nhiêu của mình, kí ức rất đời thường, rất con người về cuộc chiến mà chính thi sĩ đã tham dự, mới được có mặt. Có mặt đầy tượng trưng, với mục đích đánh động ở phần thẳm sâu của tâm thức người đọc, cho dù đấy là kẻ đã hay chưa từng dự phần vào nó, chịu đựng nó. Nên có thể nói, đây là trường ca tâm trạng, đầy chất tự sự qua suy tư mang tính phản tỉnh của tác giả. Là một đóng góp đáng kể của tác giả vào thể loại trường ca Việt, giai đoạn qua.

Khởi đi từ “đỉnh của ngày”, khởi đi từ “bình gốm xưa ông nội cất giữ mùa màng”. Thế nhưng, một “câu hỏi vang qua bao thế kỉ” vẫn mãi ám ảnh thi sĩ:
Con đường bắt đầu từ đâu?
Câu trả lời là: không bắt đầu từ hay chấm dứt ở đâu cả. Bởi vì, không có con đường. Chính bàn chân chúng ta sẽ làm thành con đường. Định phận của thi sĩ không phải làm kẻ chỉ đường mà là, kẻ đánh thức con đường trong hai bàn chân của bạn. Và, thơ chính là con đường.

Sài Gòn, Noel 2007.

One thought on “Ngày đang mở sáng, trường ca Trần Anh Thái

  1. Tôi đang tìm đọc trường ca này, nhưng chưa thấy đâu có. Anh có thể giúp THu ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *