Ngô Kim Đỉnh: Ra khỏi hoàng hôn

NGÔ KIM ĐỈNH KHI RA KHỎI HOÀNG HÔN,
XỨNG ĐÁNG ĐƯỢC BẮT TAY MÌNH
Đọc Ra khỏi hoàng hôn, tập thơ Ngô Kim Đỉnh,
NXB Văn hóa – Thông tin, H., 2007.

Bỏ lại những câu thơ mượt mà với tứ thơ còn khá lan man ở thời kì đầu, Ngô Kim Đỉnh của Ra khỏi hoàng hôn, đã dũng mãnh bước ra khỏi mấy ẩn dụ không cần thiết nữa. Chạm mặt với thực trạng của xã hội hiện đại, ngôn ngữ thơ anh thẳng và cụ thể hơn, nhịp điệu thơ chông chênh và gẫy gập hơn, sẵn sàng trực diện với vấn đề đặt ra trước mắt. Bức bối và đầy nguy cơ. Của hôm nay.
Đó là thành công mang tính chuyển hướng của nỗ lực thơ Ngô Kim Đỉnh, rất đáng ghi nhận.

*
Con người khai thác kiệt tận nguồn lợi từ thiên nhiên, với thái độ vô tư đến nhẫn tâm, bất kể sự khốn cùng hiện tiền của nó. Thiên nhiên trả thù, bằng cách đánh thẳng vào lợi ích của con người, cũng bạo động không kém. Đó là chuyện xảy ra cả thế kỉ nay. Con người còn đang loay hoay tìm giải pháp đối phó thì đột ngột, thiên nhiên nẩy ra cách đánh khác. Và con người cũng hướng sự trả thù theo cách thế khác: khốn khổ hơn, và tai hại ngàn lần hơn.

Thời dịch cúm, con người và thiên nhiên săn đuổi
những cánh cò bàng bạc vẫy hư vô
dáng bay lượn bẽ bàng lặn lội

Ngàn xưa, cánh cò như là một biểu tượng đẹp của nông thôn Việt Nam và, của thơ ca. Nó trong trắng và ngây thơ, tận tụy mà đạm bạc. Nó tồn tại trong thơ ca, và vĩnh cửu có mặt nơi tâm thức mọi người làm thơ. Nhưng cánh cò ở đây không thuần mang bóng dáng thơ mộng của ca dao xa xưa nữa, mà là lũ cò trong hiện thực, hiện thực của hôm nay. Nó đang phải đối mặt với một nguy cơ rất thực: con người đang truy bức nó, ra tay sát hại nó. Cuộc sát hại có chủ đích, kế hoạch, với suy nghĩ ngây ngô rằng: để cứu vớt chính sinh mệnh của con người!
Cuộc săn đuổi mang ở tự thân sự phá hoại. Phá hoại môi trường thiên nhiên đã đành, nó cả ý hướng đưa thơ ca vào cõi tàn lụi. Thi sĩ đương đại, còn ai ưu tư về hiện thực lồ lộ này? Mấy mùa qua, họ đang đầu cơ khuếch trương sex học đòi, trăn trở về nỗi siêu hình ấm ớ, kì khu cùng mấy bài thơ con âm èo uột của thứ mĩ học đã lưu kho từ thế kỉ cũ, với bày trò thơ sắp đặt, thơ trình diễn thời thượng!

Ta mỗi ngày sốt ruột trông ra
khoảng đồng trống mùa đi rất chậm

“Mùa đi rất chậm”. Bởi, thi sĩ mãi thắc thỏm ngóng đợi hình ảnh cánh cò bay ngang cánh đồng, như chúng đã từng hiện hữu từ vùng kí ức xa xăm. Cho đến tận hôm qua. Thế nhưng, có thể lắm sáng nay, sau cuộc rời tổ mưu sinh nhiều khổ lụy, chúng đã bị bắn hạ đâu đó, để tâng công cho một ai đó. Thế là cánh đồng chiều bặt tăm bóng chim! Chúng đã bị xóa mất vĩnh viễn khỏi bức tranh quê thơ mộng thân thuộc. Khốn khổ thay! Suốt lịch sử dài dặc, con người đã từng nhân danh này nọ để làm điều xấu ác, gây bạo loạn hay tội lỗi đây đó.

Đứng trước mấy nỗi nhân danh phi nhân tính này, của hôm nay, chúng ta làm gì?
Suy nghĩ toàn cầu – hành động cục bộ, là cách thế hành xử chủ đạo của tinh thần hậu hiện đại. Thiên nhiên đang bị tàn phá khắp nơi, môi trường sống của nhân loại đang bị đe dọa hủy diệt toàn diện. Con người hậu hiện đại không lo lắng, ưu tư cho cả thế giới mà chỉ lo cho nó thôi, hành động trong phạm vi khả năng của mình. Khi bạn chú ý trồng cây trong khuôn viên gia đình bạn, nhắc nhở anh chị em bạn không phá rừng,… là bạn đã góp tay giữ môi trường thế giới rồi. Bạn không thể kêu gọi hòa bình thế giới, trong khi hàng ngày bạn xung khắc với bà con lối xóm.
Và để làm gì? Thi sĩ…

ít ai biết giữa rừng sâu có người nghiên cứu về ong
giữa sa mạc có người tìm nước ngọt

Có thể nói không ngoa rằng, Ngô Kim Đỉnh là nhà thơ hiếm hoi ưu tư về thiên nhiên, cái đẹp và nên thơ của thiên nhiên, qua đó – suy tư về sự sống còn của con người trong thiên nhiên. Thử lướt qua tên các bài thơ: “Lại về với sông”, “Thương hạt phù sa”, “Với cỏ”, “Những cánh cò từ trong hiện thực”, “Gọi gió”, “Với trà”, “Con người và thiên nhiên”, “Với cây thông bên đồi Đại Lải”,… Đó là cách anh giao cảm với thiên nhiên. Và cả với các nhà thơ đầy nhiên tính của mấy thế hệ trước nữa: Nguyễn Duy, Tế Hanh, Trạng Trình,…
Thế nhưng, để đánh thức một ý thức xã hội, khơi dậy một niềm tin thì cần nhiều tiếng nói, cần hơn nữa là rất nhiều bàn tay. Chỉ một tiếng thơ vang lên: cô đơn biết bao! Chỉ mỗi nỗ lực, nó sẽ rơi vào hư vô không âm vọng!

Đêm thanh tịnh ta biết lòng ta hẹp
mà đường xa, mà gió, mà mưu sinh

Như mọi công dân, nhà thơ – sinh thể mong manh hơn mọi sinh thể khác trên mặt đất này – cũng phải vật lộn kiếm sống. Có thể cuộc ưu tư của anh không đi đến đâu cả. Thi ca không thể địch lại cả guồng máy, nhà thơ biết thế, nên cần “độ lượng với con người”, những con người đang [vô ý thức] huỷ hoại thiên nhiên, gây thương tổn cho tâm hồn con người, và làm vẩn đục thơ ca. “Tôi phía nguồn sông chảy những tháng năm”. Xác định vị thế mình, Ngô Kim Đỉnh vẫn cứ miệt mài làm việc, làm thơ và hi vọng.
Một tâm hồn như thế đáng tìm đến bắt tay xiết bao.
Càng đáng hơn nữa: được bắt tay mình!

Sài Gòn, 27.11.2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *