Trần Can: Món ngon Chăm

MÓN NGON CHĂM

Chẳng biết từ khi nào, có lẽ từ khi đọc thơ Sara, tôi đâm ra thích Chăm mới lạ. Chăm thực ra thì quen quá, có ai ở Việt Nam mà chưa bao giờ nhìn thấy tháp Chàm đâu?Vậy là mọi người cứ việc yên trí Chăm là thế, là những tháp Chàm lặng lẽ trên đồi như một sinh thể hoang vu trầm ngâm trước ngàn nỗi bể dâu…

Ai một lần đứng trước tháp Chàm mà không thấy bâng khuâng?

Tôi cũng không ngoại lệ, người Chăm hay tháp Chàm có khác gì nhau đâu . Hình như cũng chẳng ai chú tâm tìm hiểu. Để làm gì cơ chứ? Cuộc sống còn biết bao điều phải lo toan. Sống được đã là… khó rồi, thời gian đâu mà tìm với hiểu cho mệt xác. Quả thực, cái khó khăn của thời bao cấp đã để lại một di chứng vô cảm nặng nề! May mà rồi nó cũng qua đi…
Đến khi gặp được thơ Sara mới vỡ oà cảm xúc, một nhà thơ trải lòng chân thật qua từng câu chữ, cảm xúc thật làm câu thơ thăng hoa, chữ không còn là chữ, chữ chở thêm hồn, chữ lung linh huyền ảo như ẩn dụ. Thi sĩ tài hoa đích thực của Chăm đây rồi. Hình như phải đợi chờ quá lâu cho một hoá thân thi sĩ Chăm để mọi người ngưỡng mộ.

Ai một lần đứng trước Sara mà không thấy bâng khuâng?

Tôi làm sao ngoại lệ, khi Sara là một đứa con Chăm đẹp đẽ. Tính xuyên suốt truyền thống và hiện đại trong thơ văn anh thì đã rõ. Ở con người anh càng tuyệt vời hơn. Quả thật, anh không hề làm tôi thất vọng khi gặp gỡ.
Anh đẹp quá. Đẹp như một nhà hiền triết với vầng trán thông tuệ. Một vẻ đẹp Chăm không thể lẫn vào đâu được.
Thế thì, làm sao mà không bâng khuâng nhỉ…

Có lẽ ít người Kinh chịu khó đọc và tìm hiểu về Chăm như tôi. Đọc để hiểu trên một bình diện rộng hơn. Hiểu để biết những niềm vui nỗi buồn đã trôi qua trên số phận của hai dân tộc. Biết để sống yêu thương hơn. Yêu thương Chăm theo cách của riêng mình…

Ai một lần đứng trước Chăm mà không thấy bâng khuâng?

Ừ thì bâng khuâng, Chăm hay buồn làm sao không bâng khuâng được nhỉ? Nhưng cũng kể một câu chuyện vui về Chăm một chút. Một hôm tôi ngồi nghĩ mãi, sao mình đọc quá nhiều về Chăm mà sao chưa nghe ai nhắc đến món ăn Chăm nhỉ? Chẳng lẽ người Chăm nghệ sĩ quá nên chỉ để lại kiến trúc tháp đền và điêu khắc hay thổ cẩm, gốm sứ?

Thường, dân tộc nào cũng có vài món ăn nổi tiếng của riêng mình. (ví dụ phở của người Kinh, mèn mén, thắng cố của người Mông…). Vậy món ngon của Chăm là gì nhỉ?
Tôi gởi thắc mắc của mình lên Yahoo Hỏi Đáp và may sao có một bạn trả lời, như sau:

“…Món đầu tiên là dê nướng xiên. Thịt dê được ướp gia vị truyền thống của người Chăm có hương vị rất đặc biệt, đậm mùi sả và riềng, có vị cay. Món thịt dê luộc khá dân dã nhưng ăn không ngán nhờ phần da dòn.
Món thứ ba là rau sống ăn kèm với nước xúp cũng nấu từ nước luộc dê. Món thứ tư có thể ăn no là bún ăn với cà ri dê nấu cùng các loại khoai và nước cốt dừa, khá béo. Nếu như đồng bào Chăm ở Châu Giang (An Giang) có những món ăn đặc trưng, nổi tiếng nhất là món “tung lò mò” (lạp xưởng bò), món “ga pội” (giống cà ri), cơm nị – cà púa thì người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận có nhiều món ngon từ thịt dê, có lẽ ảnh hưởng nền văn hóa du mục.
Đặc biệt, người Chăm dùng trà như thức uống thông dụng và là một nghi thức tiếp khách, rượu chỉ uống trong những ngày lễ Tết. Đến tháp Ppo Xah Inư, du khách được thưởng thức loại rượu nấu từ nếp, mới uống thấy hơi lạt, không nồng như rượu gạo của người Việt, nhưng rất thơm. Ngoài ra, du khách cũng có dịp thưởng thức một số loại bánh làm từ bột gạo gói bằng lá chuối, đặc biệt là bánh gạo tấm và bánh gừng rất nổi tiếng của người Chăm vùng Ninh – Bình Thuận.

Kể ra mọi người nghe cho vui, tôi thì nghĩ sao Chăm không làm du lịch nhỉ. Đã có thổ cẩm, gốm sứ, đền tháp rồi. Múa hát lại hay nữa. Bây giờ kết hợp thêm với Món ngon Chăm, đem giới thiệu với du khách trong và ngoài nước những món ăn uống tuyệt chiêu của mình làm mặt hàng du lịch để nâng cao thêm cuộc sống vật chất cho dân nghèo. Nên lắm chứ!
Và mong sao một ngày tôi sẽ lang thang về các làng du lịch Chăm để thưởng thức biết bao văn hoá truyền thống, và cả những món ăn Chăm tuyệt vời nữa chứ …

Để nói: Ai một lần đứng trước món ngon Chăm mà không thấy… bâng khuâng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *