Diễm Sơn: Tâm hồn Chăm…

TÂM HỒN CHĂM QUA ARIYA

Trong quá trình tồn tại và phát triển, dân tộc Chăm đã để lại cho nhân loại nhiều di sản văn hoá có giá trị. Trong đó có một nền văn học phong phú và đa dạng như: truyện cổ, ca dao, tục ngữ…các thể loại trường ca, thơ ca (Ariya) ca ngợi cuộc sống lao động, làng xóm, những khát vọng bình yên trong xã hội và trong đó tình yêu luôn là chủ đề xuyên suốt theo dòng văn học Chăm.
Đó là tình cảm trong sáng hồn nhiên của các chàng trai, cô gái quanh năm chịu thương chịu khó với ruộng đồng. Lời mộc mạc, chân thật của chàng trai làm xao động lòng người:

Yêu lắm anh đi không được
Đi khắp cánh đồng theo dạ nhớ thương
Yêu lắm anh đi không tới
Cắt tóc thả trôi theo dòng nước
.
Có thể thấy phần nào tình cảm đôi lứa qua thơ ca Chăm được thể hiện trong buổi gặp ban đầu bởi những”nụ cười ánh mắt” trao nhau, lời tán tỉnh chân chất:

Hỡi người con gái đang gặt lúa!
Cho xin một nắm làm gạo rang
.
Thời xưa là như thế và bây giờ vẫn thế! Mối tình đầu có sức cuốn kì lạ trong ánh mắt giao duyên lần gặp gỡ như chính lời nói tâm tình của người con gái:

Chàng có cầu thì đến mà đó nhận
Em chẳng mang lên khỏi bờ ruộng đâu
!
Câu đáp e ấp của con gái lần đầu bước ra khỏi cuộc sống khép kín. Nhưng cuộc tình vừa chớm nở đã vội chia xa. Chàng xa và nàng cũng đã xa. Nỗi nhớ mong lớn dần.
Trông chiều mờ khói mây / Ngỡ bóng em nghiêng tới / Nhớ ngàn năm khôn nguôi / Từ bước chân nhớ lại / Nhớ ơi từng sợi tóc / Nhớ đôi vớ em mang / Nhớ nụ cười ánh mắt / Từ tấm áo nhớ sang.
Chia li, có thể phát sinh từ cuộc sống, sự phân chia đặng cấp, tôn giáo,… nhưng lớn hơn cả vẫn là sự phân rã của xã hội. Chính vì đó mà các tác phẩm ra đời mang chung tâm thế buồn đau, mỗi trang thơ trữ tình Chăm như có những ai oán trước cuộc tình đầy nước mắt:

Ta ngồi đó một mình trên bãi cát
Biển mênh mông, sóng nước bao la
Buồn em đi khói phủ nhạt mờ
Và ta khóc hai bàn tay đẫm lệ
Nắng chiều êm sau rừng, xuống nhẹ
Soi bóng ta khô héo, rạc gầy
Chim rừng kêu thao thiết đâu đây
Rồi bay hết. Cả đất trời im lắng
!
Có phải thế chăng mà các thơ ca cổ kim nói về tình yêu đớn đau tuyệt vọng có thể chất thành núi chảy thành sông?
Mặc dù cùng chung một hoàn cảnh xã hội như thế, nhưng ở mỗi con người Chăm vẫn tìm cho mình nguồn hy vọng mới, trong cuộc sống hàng ngày:

Đóng xe, dựng chuồng, nuôi trâu
Cho béo mập, to cao, chở cọc, chuyên rào
Đắp đập, khai mương cho thật sâu
Băng rừng rậm, đồi cao, chung lòng chung sức
Đợi khi mưa nguồn kịp xuống
Cày ruộng trồng lúa, cầy rẫy trồng ngô
Rồi trồng bí đỏ, khổ qua
Ăn qua vụ Đông, đợi mùa lúa chín
.

Tuy nhiên, do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sự bất trắc luôn có mặt, đe dọa sinh mệnh người nông dân miền Trung. Do đó trong tâm thức, họ luôn nuôi dưỡng tinh thần đùm bọc thương yêu nhau, tạo tiền đề nhằm hướng về chân, thiện, mĩ chung của nguồn cội. Điều đó thể hiện trong bối cảnh sinh hoạt rất đời thường rất con người qua từng nét hoa văn thổ cẩm, những hình khối tượng đá điêu khắc, lối trang trí hoa văn trên các đền tháp, hay động tác múa…. Đến ngày nay hồn thiêng giống nòi đã thấm sâu vào tâm hồn con người, để rồi “lần nữa” ra đời những câu thơ hài hòa đưa ta trở về một khung cảnh cuộc lễ mang nghi thức tâm linh:

Lễ tẩy trần tháng Tư đang khởi động…
Không có từ để gọi. Ông thét lên. Các từ xếp cánh và lủi mất
chỉ có tiếng thét ông tràn vào khoảng trống trần gian
A… U… M…
Ông thét lên
tiếng thét dội đến bầy trâu gặm cỏ đồi xa dỏng tai nghe
oan hồn bị lãng quyên ngàn năm đội tro than ngồi dậy
cánh chim giật mình bay ra vội vã quay lại
AUM… AUM… AUM

( Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư)
Đó là tiếng reo vui của niềm hy vọng. Cuộc lễ linh thiêng hoành tráng trong khung cảnh huyền ảo tuyệt vời. Nhưng phải là tâm hồn Chăm mới đón nhận nó, đón nhận những tiếng trống, điệu vũ, lời tụng ca gọi người vào lễ hội, gọi cả cộng đồng cùng đến bên nhau với lòng thành, trở về bản thể cùng tổ tiên tạ ơn đất trời.
Sinh hoạt cộng đồng, tình cảm của người Chăm phản ánh khá rõ nét qua Ariya. Chúng ta nhận thấy nỗi đau-niềm tin, nước mắt-nụ cười đan xen vào nhau, và dù những biến cố thăng trầm của lịch sử, con người luôn ước vọng đi tìm cái đẹp mà sáng tạo. Đó chính là yếu tố cơ bản mà dòng văn học Chăm đã gây sự chú ý đến mọi người, đóng góp vào kho tàng văn học chung với tất cả dân tộc anh em. Vì một tổ quốc Việt Nam càng thêm giàu đẹp những sắc màu văn hóa.
* Các câu thơ trích dẫn trong bài viết được rút từ ca dao, hay các thi phẩm cổ Chăm, do Inrasara dịch.

Trong Tagalau 5.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *