Trần Can: Văn 01 – Trường ca Ppo Parơng

VỀ TRƯỜNG CA ARIYA PPO PARƠNG

Người Chăm có một nền văn hoá khá rực rỡ, ngoài kiến trúc, điêu khắc với những đền tháp uy nghi đã qua hàng ngàn năm vẫn giữ được vẻ đẹp tráng lệ mà UNESCO đã công nhận là di sản văn hoá thế giới thì vẫn còn một thế giới ẩn khuất khác – đang chờ được khai phá – cũng không kém phần lộng lẫy: Văn Học Chăm .
Nhờ sớm có chữ viết (nguời Chăm là dân tộc có chữ viết đầu tiên ở Đông Nam Á – khoảng thế kỷ thứ IV) cộng với bản tính yêu chuộng văn nghệ, thơ ca, họ đã sáng tác được rất nhiều văn chương đủ thể loại: Sử thi (akayet), trường ca (ariya), tục ngữ ca dao, truyện cổ,… vô cùng phong phú.
Là một dân tộc yêu chuộng văn chương, tiếc là người Chăm đã không nắm được kỹ thuật in ấn thành thử chỉ còn những bản chép tay được lưu truyền lại, không tránh khỏi những sai sót. Có thể cũng có những mất mát do chiến tranh, thiên tai… nhưng đến bây giờ (riêng về trường ca) vẫn còn giữ được một số ariya khá nổi tiếng như: Bini – Cam, Cam – Bini, Xah Pakei, Mưyut, Glơng Anak,Twơn Phauw, Ppo Parơng… Trong đó, Ariya Ppo Parơng được viết vào khoảng 1886 – 1887, tức là mới cách đây 120 năm.

Ariya Ppo Parơng là một trường ca rất độc đáo, một thiên ký sự bằng thơ, được kể lại từ một chàng trai Chăm ở Phan Rang, chàng trai này ắt hẳn phải là một người đẹp trai hiền lành và rất mực thật thà, qua giọng thơ chúng ta có thể thấy rõ điều ấy.
Đây là một chuyến đi không chủ định (vì bị bắt buộc đi nên phải đi). Đi trong tâm trạng âu lo và buồn sợ vì không biết điều gì sẽ đến với mình. Đi trong tâm thế bất an vì bỏ lại quê hương, gia đình, nhà cửa, công việc phía sau và lỡ đi rồi nên ghi chép lại những điều mình đã thấy ở những xứ sở xa lạ để về làm quà cho những người ở quê nhà. Hành trình của chàng trai có thể tóm lược như sau như sau: Phan Rang – Nha Trang – Phú Yên – Bình Định – Quảng Ngãi – Huế – Hải Phòng…
Điểm đặc biệt mà chúng ta rất dễ nhận thấy là chàng trai Chăm rất yêu quê hương, đồng tộc của mình. Chàng có lúc hoảng hốt vì đi suốt ngày không gặp ai là Chăm.

Hành trình gồm có 8 người: Jadhar Wa (Phan Rí, thư kí), Dah Kauk (thủ quỹ), Jathauw, Ja-aik Ppo (làng Trì Đức), Jamul Cơk (làng Như Ngọc), Jathơng Ong (Chất Thường), Klum Jiep và tác giả cùng đi với người Pháp. Mục đích chuyến đi là để người Pháp thu gom nhặt nhạnh hết những bia đá Champa còn sót lại trên các đền tháp Chăm rải rác khắp miền Trung (Việt Nam) đem về Pháp.
Ngày hai mươi, tháng Một, năm Gà (tức năm Ất Dậu – 1885)
Pháp sai quan bắt chúng tôi đi cùng họ.
Người Pháp bắt họ đi để làm gì? Tìm những đền tháp Chăm, lấy hết những bia đá, nhưng trước tiên là lấy hết sách:

Còn chữ (sách), đi thu gom tất cả các làng
Nó bỏ vào tráp sắt, họ mang đi hết rồi

Chúng tôi càng nghĩ càng buồn lo
(việc họ) thu bia đá trên khắp các đền

Chúng ta cũng thấy được, qua lời kể của chàng trai, người nông dân (Kinh) thời Pháp thuộc, sống rất khổ sở:
Đàn ông Kinh không có mặc quần
Mặc áo nhuộm lá cây, lưng họ đóng khố
Xứ sở đó người Kinh nhiều như cào cào
Dân nghèo đóng khố, chẳng có mặc quần

Một chàng trai thơ ngây, từ trong làng bước ra ngoài thế giới, thấy cái gì cũng lạ, thấy cái gì cũng sợ (chứng tỏ bản tính chàng rất hiền lành).
Những lời thơ kể về người Pháp: Người Pháp có tốt không? Không hề. Chúng ta hãy đọc những câu sau để biết cách ứng xử của dân một nước có tiếng là văn minh:

Pháp sai thu xếp việc cho nhanh
rồi họ đi thuê tàu về Phan Rang mới hay
Từ bấy đến nay, bọn mày làm với ta
Sao mày chẳng hiểu gì, làm như bọn khờ
Chúng tôi quỳ lạy rồi khóc
Họ không nghe, dẫn chúng tôi vào xứ Sài Gòn
Bụng tôi nửa buồn nửa giận
Mỗi lúc trình (là) họ vả, đánh, chửi mắng rằng thằng ngu
Họ chửi những từ độc khiến tôi khóc
… Đủ tháng, lãnh tiền họ lại bạt tai

Đúng là thói thực dân, thật là cơ cực cho chàng thanh niên trai trẻ, chưa được trang bị thứ gì để bảo vệ mình nên đành phải chịu.

Tâm tình của tác giả qua ariya:
Ngoài những câu chuyện kể về những điều tai nghe mắt thấy, chúng ta có thể thấy lời trách móc (rất đúng) đối với dân Kinh:

Nước Việt được phù trợ thịnh vượng
Từ núi cao đến đường cái đâu đâu họ cũng đông đúc
Tại sao họ không biết tới thần
Đất nước về họ, sao chẳng lo cúng kiếng
Tháp đền, họ nỡ bỏ hoang
Dấu vết thánh thần, nay tan nát hết rồi
Chúng tôi đi thấy thật ngậm ngùi
nước mắt không khô trên mũi nhỏ rơi trúng đường

Trách móc, chứ không hề oán than. Lời trách cũng rất nhẹ nhàng nhưng làm cho người đọc cảm thấy xót xa, cay đắng.

Đi xứ ngoài thấy toàn người Kinh
Với di tích tháp đền, di tích Chăm

Thật là: Thanh sơn y cựu tại / Kỷ độ tịch dương hồng.
Dịch thơ: Núi xanh như cũ còn đây
Chiều buông ráng đỏ đã thay bao lần

Khi ngắm cảnh tháp đền tuyệt mỹ nên thơ
Lại nghĩ không hiểu sao vua Chăm bỏ xứ ra đi
Vua mất, và dân Chăm không còn quả phúc
Đất đai phì nhiêu mà bỏ nên mới ly hương khổ sở

Hay:
Đi thấy xứ ngoài tớ buồn
Tại sao ngày xưa (cha ông) rời bỏ để hôm nay khổ sở

Chúng ta thấy thương chứ không trách chàng trai. Ở tuổi chàng, mấy ai hiểu được thế sự? Lịch sử không được viết trong một ngày còn chiến tranh lại có những quy luật bất khả tri… Còn đối với người Chăm thì sao? Tác giả muốn nói gì?

Giữ nhé, Cả sư bên Chăm với Bàni
Phong tục xưa (còn được) lâu hay mau cũng tại mình
Thành ra nên có lời người khuyên
Giữ gìn truyền thống cha ông, chớ để hư mất

Lời người (khác) khuyên chứ không phải chàng trai, vì:

Chúng tôi còn trẻ dại chẳng hiểu gì
Lời nhắn nhủ nhớ giữ, phong tục nào hiểu hết
Hỡi tất cả quý bà con
Chứ chúng tôi thật lòng chẳng hiểu tập quán Chăm hay Bàni

Ariya bật lên được tính cách Chăm qua hình ảnh chàng trai, hiền lành và nghệ sỹ, đôi lúc khá thơ ngây, ngộ nghĩnh.
Một chuyến đi dài dù không muốn, qua đó, chàng trai nhìn lại quê hương xưa, đền tháp cũ, có lúc chạnh lòng rơi lệ vì tất cả đã đổi thay, cảnh cũ còn đó mà người xưa đâu tá?
Nhưng với hai câu thơ cuối, độc đáo ở chỗ không phải là lời trách, lại làm người đọc xót xa nhất:

Dân Chăm và Bàni hết hậu vận
Đất nước xưa đã tiêu vong, những ngồi ngó trời


Theo tôi, đây là hai câu hay nhất trong Ariya, mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu và thấm thía hết….
Bài học về sự chia rẽ, thiếu đoàn kết, không bao giờ cũ …

One thought on “Trần Can: Văn 01 – Trường ca Ppo Parơng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *