Vũ Nho: Những khúc ca đỉnh tháp

THƠ INRASARA – NHỮNG KHÚC CA ĐỈNH THÁP

*
Có lẽ trong các nhà thơ người dân tộc thiểu số nói riêng và nhà thơ hiện đại Việt Nam nói chung, ít có ai viết về bản thân mình, về dân tộc mình, về miền đất quê hương mình da diết, chân thành và nhiều trăn trở như Inrasara.
Qua thơ của anh, nhờ thơ của anh mà người đọc biết nhiều hơn đến thằng Klu, đến plây Chakleng, một làng hơn một ngàn năm tuổi, biết đến sông Lu, con sông mẹ của hơn chục dòng sông, biết đến lễ tẩy trần tháng tư, biết đến những ngôi tháp Chàm kì lạ:

Tháp đang trôi trong hoàng hôn
chợt mắc cạn
ở lưng đồi…

(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tháp Chàm muôn mặt”)
Cũng qua thơ Inrasara, chúng ta biết đến 41 inư akhar Cham K C T đã từng viết nên những tác phẩm Chăm đầy trí tuệ và cảm xúc, những AkayetAriya trong đó có Glơng Anak, Pauh Catwai “dòng thơ triết luận-chính luận đầu tiên của nền văn học cổ điển Chăm được viết bằng văn phong của một bậc thầy”:

Glang Anak trăm câu – luận hai trăm năm chưa hết
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tạ ơn”)

Thơ Inrasara cho chúng ta biết đến một vùng quê hương đặc biệt:

Quê hương gầy, quê hương xanh xao
Quê hương không có rặng dừa thơ mộng của ca dao
Quê hương không có cánh cò xa, không có bản tình ca thôn dã
Mây trắng. Mặt trời. Gió trùng dương. Đất. Đá
Quê hương cằn khô, nóng bức, nghèo nàn
.
(Tháp nắng, “Quê hương”)
Cần phải nói rằng câu thơ về quê hương như thế này cũng là khá hiếm hoi. Bởi vì thi nhân trong cảm xúc về quê hương thường để cho niềm biết ơn, thành kính dâng lên dào dạt, nên cảm hứng thường là bay bổng, ngôn từ là ngôn từ của tụng ca…. Inrasara không như vậy. Không ít lần miền đất, miền quê của anh hiện ra trong dạng nghèo khó, khắc nghiệt như nó vốn có, hoặc nó được nhìn thiên về hiện thực nghèo. Cả cái có và cái không có đều bộc lộ cái nghèo:

Quê hương có những vú đồi khô khốc
Quê hương không có cụm mây che mát trẻ em đầu húi trọc
Không có giọt mưa cho khát lũ trâu gầy

(Tháp nắng, “Quê hương”)
Nỗi băn khoăn, trăn trở về một quê nhọc nhằn, lam lũ, quê vất vả lo toan chống chọi với bốn mùa cát trắng hanh hao, với biển khơi trùng trùng bão thét, với cánh đồng chỏng chơ, ruộng nẻ chân chim, nắng hè khô khốc… lại là bằng chứng của một tình yêu quê da diết nhất.

*
Rất nhiều lần nhà thơ viết từ ngôi thứ nhất: tôi. Không hề ảo tưởng về tôi, nhưng cũng không đem cái tôi ra trình bày như một con người nhỏ bé, yếu ớt, khoác chiếc áo dày rộng thùng thình khiêm tốn:

Dẫu không là cái đinh gì cả
tôi vẫn cần thiết có mặt

(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Ẩn ngữ Pauh Catwai”)
Với một tiểu luận không dài nhưng sắc bén, Inrasara đã Điểm danh các khuyết tật Chăm, cũng tựa như Bá Dương đã từng viết về người Trung quốc xấu xí. Dám kể các khuyết tật của dân tộc mình là phải tự tin mình lắm. Và cũng phải yêu dân tộc mình lắm lắm. Lẽ dĩ nhiên cũng phải có tầm để đủ sức nói ra. (xem Văn hóa – hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, NXB Văn học, H., 2003, tr.109). Trong thơ, Inrasara hơn ai hết tự hào về Chăm, về dòng máu Chăm ở trong người, về mảnh đất Chăm nơi anh chào đời:

con là Chăm ngay ban đầu vỡ tiếng khóc
(còn hơn thế: chín tháng mười ngày trước khi vỡ tiếng khóc)
khi con cắm rễ nơi đây
hay khi con lang bạt tận cùng trời
con cứ là Chăm cả lúc cháy lên cùng ngọn lửa cuối đời
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Ẩn ngữ Pauh Catwai”)
Người con trai Chăm ấy đã từng không giấu giếm quá khứ đầy dằn vặt, trăn trở để tìm lại chính mình, vượt lên chính mình:

…tôi đụng đầu với chiến tranh
tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng
tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng
rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em
.

Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
tôi lạc mất điệu đua buk, câu ariya, bụi ớt
trái tim đui
tôi như người bị vứt
rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh
.

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ…

(Tháp nắng, “Đứa con của Đất”)
Bài thơ “Những ngày rỗng 8: Sinh chỉ một lần”, tiếp nối mạch trần tình, nói về cuộc đời thi sĩ Inrasara. Bài thơ có rất nhiều con số, nhiều lần đếm, nhiều cách đếm các sự kiện của một con người. Nhưng đây chính là bài thơ đặc biệt về quê hương, nơi cha ông đã sinh ra, lớn và chết, nơi thi nhân sinh ra và sẽ chết “chỉ một lần” dù đã có cả trăm lần dứt áo rồi quay lại. Đó cũng là một giọng điệu chẳng giống ai khi ngợi ca quê hương.

*
Với dân tộc Chăm, với vương quốc Champa một thời huy hoàng, vàng son thì những ngọn tháp Chàm là biểu tượng đầy tự hào về văn hóa, kiến trúc:

700 năm tháp thét gào với bão
300 năm tháp lãng du thế giới cỏ cây
ngàn sau tháp chuyện trò cát bụi
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tháp Chàm muôn mặt”)
Ai qua mảnh đất miền Trung mà không bị những ngọn tháp cổ kính ấy ám ảnh và gợi bao niềm hoài cổ, những băn khoăn về thế cuộc biển dâu. Với các khách du, tháp Chàm chỉ là những cái tháp gầy mòn, là những giọt tháp rớt xuống tự trời xanh, là những dấu chấm than (Chế Lan Viên, Văn Cao, Thu Nguyệt). Chỉ với Inrasara, tháp Chàm mới được tái khám phá là Tháp Chàm muôn mặt. Nó là tháp nắng, tháp hoang, tháp lạnh, tháp bay, tháp cổ, tháp là chim, là một con người:

Bóng của tháp như dòng sông ma
trườn qua đêm tối những triều đại
đánh thức kí ức các dân tộc
duyên nợ (hay cả không nợ nần gì) với tháp
.

Mắt mở trừng vậy thôi – không nói
tháp ngậm im lặng màu tro

(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tháp Chàm muôn mặt”)
Phải là người con Chăm, phải lặn sâu vào bản thể Chăm, văn hóa và cả tín ngưỡng, lịch sử Chăm mới thấy hết được cảnh ngộ và những ngôi tháp ruột thịt:

Xah Inư cô quả, Tháp Đôi còn vợ mất con, Dương Long
đau đời mãn tính
Mĩ Sơn trọng thương trong chiến tranh, hôm nay mặc áo mới
Po Klaung Garai vợ con đủ đầy
Yang Praung trên cao ấy ngàn năm tủi phận con rơi
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Sầu ca trên đỉnh tháp”)
Cũng với tinh thần Chăm tuyệt đối ấy, nhà thơ mới thấy được điều
nguy cơ chông chênh rất nghịch lí này về các ngọn tháp:

Đủ đầy cả thôi mà cứ muốn thất truyền
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tháp Chàm muôn mặt”)
Những ngọn tháp chưa bao giờ lại đa hình, đa dạng, đa chiều và xuất hiện nhiều đến thế như trong thơ Inrasara. Với dự cảm về sự thất truyền, nhà thơ tự cảnh báo mình và cũng cảnh báo mọi người:

Khi bất chợt bác tiều phu nhớ
dân buôn lậu nhớ – nhà viết sử nhớ
hồn tháp đã bay xa
.
(Tháp nắng, “Tháp hoang”)

*
Thái độ với quá khứ, với lịch sử, Inrasara xác định rất dứt khoát, rõ ràng. Anh buồn nỗi buồn của những người đồng bào: Tự chấm tọa độ đời mình trong sương mù quá khứ (“Quê hương 5”). Anh đau nỗi đau thân phận những đứa con của mảnh vụn văn minh tái chế (“Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”). Nhưng anh cũng tự tin, dứt khoát, rắn rỏi nhìn vào hiện thực vươn tới tương lai:

Chúng ta nhìn vào mắt nhau không mộng mị
Kí ức chở số phận chúng ta rời bỏ ga buồn

(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Hạt mùa mới”)
Một tinh thần khỏe khoắn, một thái độ minh triết, thiết thực:

Ta không thể đi vào tương lai bằng giấc mê Quá khứ
Đi vào ngày mai bằng niềm tiếc Ngày qua
Không thể bay cao khi hồn ta còn trì nặng sâu mọt căm thù
Không thể đi xa khi chân còn kéo lê sợi tơ kiêu hãnh hão

(Tháp nắng, “Quê hương”)
Tinh thần minh triết ấy ta cũng có thể tìm thấy trong bài thơ Ngụ ngôn mùa Đông:

Trăm đau nhỏ nhặt ni / không làm nên tâm hồn lớn
Nghìn suy nghĩ thấp bé ni / trì níu tư tưởng bay cao
Mớ mơ ước vụn vặt ni / sói mòn mênh mang hoài vọng
Bao thương ghét lắt nhắt ni / giết chết tình yêu bao la
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Ngụ ngôn mùa đông”)

*
Đối với một nhà thơ thì quan trọng nhất là tìm cho mình một con đường đi vào thế giới thi ca. Con đường ấy Inrasara đã khai mở thật thành công với tập thơ Tháp nắng. Tưởng cũng cần nhắc lại ở đây Báo cáo tổng kết sáng tác và giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997, nhận xét về Inrasara:
“Với thơ, anh xuất hiện vài năm nay và nhanh chóng thu hút được sự chú ý của bạn đọc cả nước. Cảm xúc anh vừa dào dạt, hồn nhiên lại vừa giàu phẩm chất trí tuệ và tính khái quát. Các bài thơ của anh không ngắn nhưng không sa vào kể lể. Thơ anh giàu sức gợi. Gợi vào cái bát ngát hoang dại của kiếp đá, kiếp người, gợi cả vào cõi xa thẳm của những miền cố quận trong không gian, thời gian. Một tình cảm Chăm sâu đậm, u uẩn trong thơ Inrasara quả là đã góp vào thơ Việt Nam một hương vị đáng quý. Rất đáng quý!”
Những phẩm chất ấy của thơ mình vẫn được Inrasara từng bước hoàn thiện, làm phong phú thêm, giàu có thêm qua mỗi tập thơ sau. Đến Lễ tẩy trần tháng Tư, anh có khát vọng khai mở một vòm trời khác. Tuy nhiên, dù tăng tính triết luận, sự suy tưởng, tăng chất văn xuôi, tăng sự phóng túng và chìm đắm hơn vào cảm xúc, thậm chí có lúc cao ngạo:

Ta chối từ ta để ta được là ta
Cô đơn, cô đơn
Trên miền cao tư tưởng

(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Hành trình”)
thì Inrasara vẫn đi trên con đường nhọc nhằn dẫn lối con đường xanh. Rất nhiều câu hỏi anh đặt ra cho mình và cho bạn đọc của anh:

… có gì liên quan giữa bắp chân tròn thô đậm rơm rạ em
với cặp giò thon thả vũ nữ Apsara xưa?
… có gì liên quan giữa vầng trán u uẩn bác chài An Giang với
cằm ngạo nghễ Shiva?
… có dính dáng gì giữa ngang tàng vòm tóc Bồng Nga với
chền ễn bụng bạn tôi
?
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Bất ngờ nhiều cái nghĩ tối nay”)

Trước nhay nháy nhúm sáng dối lừa
Chúng ta chống đối / hùa theo / đồng lõa
Chúng ta phạm nhân / quan tòa
Chúng ta bên lề
Ai hiểu được
?!
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Trong khoảng tối gió mùa”)

đám mây có mang mưa linh ẩn làm nẩy mầm hạt mùa mới?
chúng đang trôi về đâu
?
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Cư sĩ và đám mây kí ức”)
Những câu hỏi không chỉ liên quan đến một cá nhân, cũng không phải chỉ liên quan đến một cộng đồng, một dân tộc. Đó là những câu hỏi của thời đại, của nhân loại mà người đại diện nhạy cảm nhất không thể không nhận lãnh trách nhiệm phát ngôn:

Xưa
dưới cái rây lịch sử khổng lồ
cha lọt sàng sống sót.

…..
Cha giấu mặt sau trang thơ
ngăn tiếng nấc
.
(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Tam tấu ở ngưỡng thế kỉ XXI”)

*
Bây giờ Inrasara của chúng ta ngẩng cao đầu trong trang viết, kiêu hãnh về mình, kiêu hãnh về Chăm, về những ngôi tháp Chàm bừng lên tháp nắng. Anh giác ngộ Không ai có thể hát thay chúng ta. Tiếng hát của anh cất lên như một bài kinh lễ nguyện cầu thiêng kiêng mà người chủ lễ hát lên, thét lên, không còn từ để gọi, ông thét lên trong lễ tẩy trần:

tiếng thét dội đến bầy trâu gặm cỏ đồi xa dỏng tai nghe
oan hồn bị lãng quên ngàn năm đội tro than ngồi dậy
cánh chim giật mình bay ra vội vã quay lại

(Lễ tẩy trần tháng Tư, “Lễ tẩy trần tháng Tư”)
Tiếng hát ấy hòa trộn cả tráng ca và bi ca, sầu ca và hoan ca, thấm đẫm quá khứ lịch sử, tràn trề hiện tại, thăm thẳm tương lai. Đó là bài ca cuộc sống.
*
Báo Thơ, số 16, 10.2004.
Đi giữa miền thơ, Nxb.Hội Nhà văn, H., 2006.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *