Lê Thị Mây bình: Tháp nắng

Inrasara
THÁP NẮNG

Biết mấy trăm năm rồi tháp đứng
Biển bên kia và cát bên này
Biết mấy vạn đời rồi tháp nắng
Trên đồi hoang
như dấu lặng
phơi bày

Không một bụi cây – không một làn mây
Bao la năng và mênh mông cát
Âm thanh câm – thời gian vắng mặt
Trắng không gian đậm đặc từ bề

Không có một bài thơ ngợi ca
Không lấy một lời ca ngợi ca
Tháp vẫn đứng miệt mài với nắng
Trong hoang mạc lòng nhân gian lạnh

Chuyến xe Sài Gòn – Phan Rang
tôi đi lại quá trăm lần
Tháp có đó – tôi vờ như không có
Thoáng sát na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình – tháp nắng – thênh thang.

Lời bình – Nhà thơ Lê Thị Mây

Tháp nắng là một bài thơ hay trong tập thơ được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1998 của Inrasara. Bài thơ mở ra một không gian tráng lệ, không gian của nền văn hoá Chăm lung linh hư huyền. Bên kia là biển, bên này là cát, mọc lên sừng sững tháp nắng. Một Tháp nắng mênh mang của thiên nhiên miền Trung chất chứa thâm sâu tầng tầng phù điêu vũ nữ Chàm, vang vọng những cộng hưởng nhớ nhung hoài niệm của đường đi lối về trong bóng tháp.
Ở đây Inrasara không dùng lối so sánh: Tháp nắng được thắp ra từ cảm xúc hình tượng thơ, từ trong u hoài của những chùa tháp vụt sáng rạng ra Tháp nắng. Tháp nắng không tắt đã biết mấy vạn đời vượt ra ngoài cả không gian và thời gian, cả ngày lẫn đêm, của một đời người nối vạn đời người. Tháp nắng ở trên đồi hoang lại vươn lên như một dấu lặng ngưng chứa những cảm xúc cần đựơc phơi bày, cởi mở và giao hoà với cuộc sống.
Không một bụi cây – không một làn mây
Bao la nắng và mênh mông cát
Âm thanh câm – thời gian vắng mặt
Trắng không gian đậm đặc tư bề
.
Hai câu đầu tả chân, hai câu sau nêu lên cảm xúc trong mối xung động khái quát của tứ thơ. Các cặp:
Âm thanh câm – thời gian vắng mặt
Trắng không gian đậm đặc tư bề

như là một cặp cụm từ đối nghĩa, lại để lửng cho tự nó hé ra tứ thơ Tháp nắng đồng thời khổ thơ thứ hai là một liên khúc nối kết khổ thơ một vào khổ thơ hai để mở cho ta nhìn thấy cả từ bên ngoài: là không bụi cây, là không làn mây, là bao la nắng và mênh mông cát; và cả từ bên trong – một bên trong Tháp nắng: là âm thanh câm và thời gian vắng mặt… Nhưng thực ra, bên ngoài là thế, bên trong là thế nhưng không phải thế – có nghe mới biết là câm, có thấy mới biết là vắng. Điều này có thực, nó làm cảm thức của thơ ở đằng sau mặt chữ.
Đến khổ thơ thứ ba, tác giả tiếp tục đẩy cảm xúc thơ tràn vào Tháp nắng khẳng định thêm một lần nữa, mặc mọi biến thiên của thời gian, của lòng người, tháp vẫn đứng miệt mài với nắng. Tháp nắng – đấy là một sự tồn tại khách quan và vĩnh hằng. Một sự tồn tại chứa chất những vẫy gọi, những mời mọc, mở ra những bí ẩn hứa hẹn khoảnh khắc tri ngộ, gặp gỡ và bừng sáng trong nỗi giao hòa thênh thang với ngày hôm nay trong dòng lịch sử của con người thời hiện đại.
Thoáng sát na không gian bùng vỡ
Tháp hiện nguyên hình – tháp nắng – thênh thang
.
Thoáng sát na là giây khắc bùng ra để vụt chốt lại và ngưng lắng trong lòng người đọc một tứ thơ mênh mang hoài niệm…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *