Ngôi nhà đã mất và tìm thấy lại

Đọc Sự trở lại của vết xước, tiểu thuyết của Trần Nhã Thụy
Nxb.Văn nghệ, Tp.HCM, 2007.

Câu: “Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”… mở đầu tiểu thuyết. Lần thứ nhất, lần thứ hai nó được lặp lại, gợi cho chúng ta sự tò mò. Chương tiếp theo, và vài chương sau đó nữa, nó lại có mặt. “Chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”… Từ từ, nó đưa dẫn câu chuyện đi một mạch, chín muồi ở chương chót: “chúng ta rồi sẽ có một ngôi nhà”; để rơi rụng ở câu cuối cùng: “sẽ trôi qua dưới mái nhà”. Tò mò, đúng thế. Nhưng ở đây, chắc chắn không phải một tò mò về hấp dẫn của cốt truyện, mà tò mò mang tính trí tuệ.

Chán nản, mỏi mệt, không lí tưởng, cả không có nổi một mục tiêu bé con ra hồn sống qua ngày. Nhân vật đang bị nhiễm độc từ từ. Đó là hắn. Hắn – nhà văn trẻ, hắn – kẻ hoang mang, hắn – người chồng vô tích sự, con người vô tích sự…
Khởi sự câu chuyện, người đọc nhận diện cái vô tích sự của hắn. Ngay nhấc đít lên làm cái thao tác bước ra khỏi quán bia nhếch nhác hôi thối kia thôi, hắn cũng không làm nổi. Ăn ở quán xá thế này, uống ba thứ bia thế này, thở thế này, … “bệnh chết”. Vợ hắn ba lần lặp lại, ba lần “bệnh chết” rơi vào khoảng rỗng của hờ hững hắn. “Không hôi thối chỗ này thì hôi thối chỗ kia”, quán ăn kia, góc phố kia, khía cạnh kia, lãnh vực kia – hắn nghĩ thế. Và hắn trì hoãn. Cuộc sống hắn là chuỗi trì hoãn. Một truyện ngắn, một tạp văn, thậm chí một mẩu tin ảnh cho báo cũng bị trì hoãn. Thế là người vợ bốc hơi, không lưu lại một dấu vết, cả tin nhắn cũng không! Để lại hắn và đứa con.

Từ đó, hắn bắt đầu làm cuộc trôi không định. Trôi từ nơi này sang nơi kia. Quán cà phê, phòng massage, công sở, đường phố, căn trọ, và ngược trở lại…. Cứ trôi vậy thôi, dật dờ. Nhân vật không rõ nét khuôn mặt, vô danh, phi tính cách. Những con người hắn trôi đến, có thể là bạn chơi, người thân hay người tình qua đường, dẫu vô danh, nhưng họ đã định tính. Cuộc sống, công việc và lối nghĩ họ ổn định.
“Người bảo vệ” với quan niệm rõ ràng, mạch lạc: “đã sống là không chấp, cứ chơi thôi”, chơi cho đến ngày bị sát hại. “Cô Ba mốt” làm công việc của cô ta, hàng ngày: thuần thục và có thu nhập nghiêm chỉnh như nó phải thế. “Bác sĩ thú y” tự nghĩ ra trò chơi cho mình, và hối thúc kẻ khác chơi: tại sao chú em không làm một cuộc chơi!? Cả “Thằng em trai thứ ba” của hắn, cũng sống ổn định với công việc ổn định. Rồi “Bóng rổ” dẫu có chán ngấy cái đời hôi thối này, và “chỉ muốn biến tan đi”, cũng xác đinh được tính cách. Vì, dẫu sao đi nữa, các nhân vật kia biết mình “muốn” gì. Riêng hắn – không! Không đầu tiên và cuối cùng. Chuyện to, bé hay vụn vặt hàng ngày. Cuộc sống cứ trơn trợt trôi đi. “Hắn suy nghĩ nên làm gì trong buổi sáng nay” (tr.171). “Hắn chạy xe ngoài đường nhưng không biết đích đến là đâu” (tr.185). Nhưng thế nào rồi cũng qua đi “một ngày vô tích sự”.

“Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ”… Thình lình, hắn khám phá ra sự thể đó. Một sự thật hiển hiên nhiên ấy, đã không ai nhận biết nó. Hoặc giả biết, giáp mặt và chịu đựng hàng ngày, nhưng rất ít người nhận rõ tác hại từ từ và bền bỉ của nó. Hoặc có, nhưng do thói quen hay bởi túi bụi đôn đáo cuộc sinh nhai nên, đã mãi thái độ đà điểu. Và họ ngây ngô tin là có thể lắm, họ được miễn nhiễm!
Cơ thể của chúng ta đang bị nhiễm độc từ từ… Bởi mọi loại độc tố, thấy bằng mắt thường hay chẳng, khắp xung quanh. Hắn biết thế. Không những chỉ cơ thể thôi mà, cả tư tưởng và tâm hồn chúng ta, cuộc sống chúng ta đang bị nhiễm độc, hàng ngày! Từ từ nhưng, chắc chắn. Trước sự hờ hững vô tình của mọi người.

Môi trường thành phố [rộng hơn – cuộc đời] hôm nay hắn rơi vào, hắn nghe rất lạc lõng. Hắn – kẻ không thể thích nghi. “Cuộc đời là một sự lừa dối. Chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà tất cả đều tham gia vào cái trò lừa…” (tr.45). Không muốn [hay không thể] tham dự vào trò lừa rộng lớn đó, hắn bị cuộc đời đánh bật ra không thương tiếc. Dù “vô cùng kính nể những kẻ coi công sở như chính gia đình”, nhưng hắn không thái độ thỏa hiệp. Con người không phải là nghề nghiệp, chức vụ, vai trò. Xã hội khuynh hướng xem thi sĩ [tinh yếu] hay kẻ trầm tư như là thứ ăn bám, vô tích sự; nhưng chính họ mới biện minh cho sự hiện hữu của chúng ta trong cuộc đời.
“Sống, thật ra là hãy tự biết sống. Còn nghề nào cũng chỉ là phương tiện mà thôi” (tr.195). Nhưng con người luôn có xu hướng đồng hóa mình với chức danh, học vị, quốc gia, tôn giáo, thần tượng, thậm chí – một thói tật. Khi ta cắt đứt mọi đồng hóa mình với cái này hay cái nọ thì ta không là gì cả. Ta chỉ còn là một con số không to tướng di động trên mặt đất giữa vũ trụ vô cùng. Khủng khiếp quá! Nỗi trống rỗng vồ chụp lấy ta: một sinh thể trần truồng không nơi nương tựa. Ta có thể bị quét ra khỏi trần gian này bất kì lúc nào. Tinh thần đồng hóa là nguyên nhân mọi dạng thức tha hóa của con người.

Người đọc chú ý sự thiếu hụt hay mang vài ba cái “tên” của các nhân vật đầy cố tình của tác giả trong tiểu thuyết. Chúng hiện hữu “đại khái, tượng trưng cho công việc, cuộc sống của họ”, chứ không chính con người họ. Một cái tên – không gì là ghê gớm cả, vậy mà chúng ta không có nổi. Trong cuộc sống hiện đại, tên chúng ta và cả sự có mặt của chúng ta chỉ có thể tồn tại trong cái sim bé xíu. Chỉ cần tháo tác tháo cái sim ra, bước vài bước đến lọ cá hồng, thả nó vào đó, là tất cả tiêu vong. Hằng trăm, hàng ngàn danh tánh bỗng chốc “biến mất” ngay tức khắc. Biệt vô âm tín. Vậy mà chúng ta mãi nghiêm trọng hóa cái tên cùng mấy thứ hậu tố lỉnh kỉnh của nó.

Câu nói của F.Nietszche hơn một thế kỉ trước: “Chúng ta đã bước qua giai đoạn thú vật, nhưng chúng ta chưa thực sự là người”, vang lên như một cảnh báo. Con người không hiện hữu trong CÓ, mà là ở LÀ. Ý hướng chiếm đoạt càng cao, sở hữu – tiền của, địa vị, bằng cấp, chức tước,… – càng nhiều thì con người ngày càng xa rời bản thể mình như một sinh thể bần hàn trong tại thể của nó. Hơn thế, chính nỗi phong nhiêu của CÓ khiến con người tự đánh lừa làm nguy cơ khuất lấp ý thức tự phản tỉnh. Hiểm họa lớn hơn: khi con người đòi muốn CÓ quê hương, muốn sở hữu chân lí, thứ quê hương/chân lí như một đồng hóa chủ thể với tư tưởng biểu tượng, chỉ là hình ảnh phóng dọi của cái Tôi, không hơn kém gang tấc. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay cuồng tín ý thức hệ có đất nẩy nở và khuếch trương thế lực. Bạo động bá vai thù hận phát sinh và bành trướng đến vô cùng.

Đây là mấu chốt của vấn đề.
Khi giáp mặt với cái không-gì-cả, con người khuynh hướng chạy trốn nỗi cô đơn và trống rỗng này. Bằng những trận làm tình, cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, bằng viết lách nhảm nhí hay lao đầu túi bụi vào công việc, hoặc ôm bom lao theo ý tưởng trả thù hệt bọn khủng bố hay tìm đến chai thuốc độc, như không ít thi sĩ phương Tây cuối thế kỉ XIX đã làm như thế. Chạy trốn, hắn vừa đánh mất sợi dây liên lạc nền tảng với đối tượng hắn tương quan, cả đánh mất chính hắn. Hắn không biết “hắn đang yêu cô hay đang tìm cách khoả lấp sự trống rỗng của mình” (tr.206).
Chính tại đây, “vết xước trở lại”. Vết xước là rất thiết yếu cho thức tỉnh. Nó không từ đâu mà ở ngay trong ta. Nó nằm đó, từ lâu lắm, như mấy thiên thu vạn đại. Chỉ cần qua một biến cố nhỏ hay khi chúng ta tách mình ra khỏi thế giới, nó sẽ trở lại, dù rất hiếm hoi nhưng đột ngột và không thể lường trước. Khi vết xước trở lại, hắn thấy mình lạc lõng giữa người phố thị, bơ vơ trên trần gian, xa lạ với người thân quen và cả với chính hắn. Hắn là kẻ hoang mang-vô tích sự-không nhà trôi vô định. Hắn ý thức mãnh liệt như thế, và – không chạy trốn nữa. Đây là sự tự phản tỉnh của ý thức. Không phải thứ tư tưởng ta có thể chiếm hữu như thể trẻ con sở hữu một hòn bi mà là, tư tưởng ở trong ta đột ngột thức giấc và chiếm lấy ta. Tràn ngập toàn thể con người ta. Lay động ta tận nơi sâu thẳm nhất. Ta không thể dễ dãi chấp nhận trò chơi văn chương vô bổ, cuộc vui nhếch nhác hay công việc với trách nhiệm mang vẻ to tát nữa. Ta nói tiếng KHÔNG dứt khoát với cuộc sống. Cuộc sống như lâu nay nó thế: nhàn nhạt, trơn trợt và đầy giả dối: “Bằng mọi cách chống lại sự ứ đọng, triền phược của đời sống” (tr.148). Đây là hành động dũng cảm tinh thần.

Rồi từ phủ nhận dứt khoát, hắn đi đến một khẳng định quyết liệt: “Chúng ta rồi sẽ có một ngôi nhà” (tr.234). Đó là biện chứng của khẳng định và phủ nhận. Biện chứng pháp của Hegel thuộc phạm trù triết học, một khoa học về/của triết lí; nó thuộc suy luận của lí trí. Biện chứng ở đây thuộc phạm trù Đạo học, nếu có thể gọi như vậy. Nó là minh triết của tinh thần; không cần qua suy biện duy lí mà đòi hỏi một trực cảm của tâm hồn. Khi trực cảm được con người là những sinh thể li ti yếu đuối dễ bị quét sạch khỏi trần gian đang sống lúc nhúc trên mặt đất cũng rất bấp bênh có thể bị nát bấy bất cứ lúc nào khi đụng phải muôn ngàn hành tinh khác giữa vũ trụ vô thường: chúng ta thấy nó mỏng manh biết bao! Khi trực cảm thế giới vô tình, tự nhiên vô tình sẵn sàng dẫm đạp bước qua mọi nỗ lực của con người, mọi thành tựu của các nền văn minh nhân loại, chúng ta chán nản, bất lực và, thấy cuộc sống phi lí biết bao!
Nhưng vô nghĩa, phi lí không là kết thúc mà là khởi đầu. Khởi đầu của một cuộc truy tìm. “Chúng ta rồi sẽ có một ngôi nhà”, ngôi nhà đã mất và tìm thấy lại. Hành trình đi tìm cái tên, ngôi nhà là hành trình tìm về bản ngã và bản thể cuộc sống. Một hành trình tìm về Quê hương.

“Nỗi thiếu Quê hương trở thành định mệnh của hoàn cầu. Chính vì thế, sự thiếu vắng đó cần phải suy tư trên bình diện lịch sử của Tính thể. Như vậy, điều mà khởi từ Hegel, Marx đã truy nhận theo một nghĩa tinh yếu và quan trọng như là sự vong thân của con người, điều ấy cắm rễ thật sâu trong nỗi thiếu Quê hương chung của con người thời hiện đại”. (Homelessness is coming to be the destiny of the world. Hence it is necessary to think that destiny in term of the history of Being. What Marx recognized in an essential and significant sense, though derived from Hegel, as the estrangement of man has its roots in the homelessness of modern man). (M.Heidegger, Letter on Humanism, bản dịch của Frank A.Capuzzi, trong Basic Writings, HarperSanFrancisco, USA, 1977, p. 219).

Quê hương phải được hiểu là nhà. Nhà mình, như là cái gần gũi thiết thân. Cùng các sự vật tương liên với cái nhà – chấp nhận nó, và yêu thương nó. Khi ngôi nhà tìm thấy lại, tôi trở về sống hòa đồng với người xung quanh, với thế giới sự vật xung quanh. Không thể chọn lựa. Cuộc sinh nhai cơ cực này là của tôi, thành phố đầy bụi bặm này, đôi mắt buồn của cha và nụ cười gầy của mẹ, cánh bạn học bữa đực bữa cái này,… Tất cả là của tôi. Tôi là một thành phần trong nó, một mảnh ghép của thế giới phi lí và triền phược này. Tôi cần học yêu nó, hằng ngày!
Vết xước dạy tôi tình yêu đó.

*
Hành trình trí tuệ đầy biến động như thế là một bi kịch lớn của con người. Ngày xưa, hôm nay và cả ngàn sau nữa. Của những con người sống, suy nghiệm ý nghĩa và vô nghĩa của cuộc sống. Vẽ lại cuộc hành trình đó qua lối văn sinh động với rất nhiều chi tiết vừa nặng hiện thực xã hội vừa đẫm ẩn dụ triết học đắt giá được như Trần Nhã Thụy, là một thành công đáng ghi nhận. Nhưng dù ngôi nhà tìm thấy, chớ nghĩ rằng đây là một kết có hậu. Đúng hơn – tác giả muốn nói lời cảnh báo tối hậu gởi tới xã hội hôm nay: chỉ cần tháo cái sim thôi, tên tuổi đầy trang trọng được tìm thấy của anh cũng tiêu mất. Lời cảnh báo còn gửi đến chính tác giả nữa: tên tuổi của Trần Nhã Thụy với tư cách nhà văn – qua thành công của tác phẩm văn chương người đọc đang cầm tay này – cũng biến mất khỏi văn đàn, nếu anh xoa tay thảo mãn. Nếu anh không tiếp tục làm cuộc lên đường, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn nữa!

Sài Gòn, 15.09.2007.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *