Inrasara: để không lặp lại mình

Chính thức ghi dấu ấn của mình trong làng thơ khi tuổi đã trung niên – có thể nói là khá muộn. Với tập Tháp nắng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt nam 1997), từ đó đến nay, nhà thơ Inrasara liên tục làm mới mình: tập Lễ tẩy trần tháng Tư (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2003) và đặc biệt là các bài thơ Tân hình thức là những minh chứng khá ấn tượng về chuyện đào luyện và học hỏi không ngừng của nhà thơ.
Với sáng tạo văn chương, có cần phải học hay không? Mời các bạn theo dõi nhà thơ trả lời câu hỏi này.

*
Hiền Hòa: Nhiều người cầm bút hay nói về tuổi thơ của mình – như là một dự cảm của văn chương. Tuổi thơ của ông như thế nào?
Inrasara: Hồi tôi hoc tiểu học, có ông thầy hiệu trưởng mê làm thơ, bằng tiếng Chăm, một kiểu thơ dân dã nên hầu như cả làng thuộc thơ ông, tôi cũng thuộc thơ ông nhiều lắm. Có lẽ ông đã gieo mầm thơ vào tâm hồn tôi. Sau này, những bài thơ bằng tiếng Chăm của tôi được ông mang vào lớp dạy, dù giáo trình đã có sẵn… Thầy ấy là Quảng Đại Hồng, một nhà thơ dân gian “chính hiệu”, ông không câu nệ hình thức, miễn sao cho học trò thích thú với văn chương là được.
Tôi nghĩ, với văn chương, không cần quá câu nệ vào qui củ; làm sao để giữ được sự nhạy cảm là tốt rồi.

Hiền Hòa: Không lẽ chỉ có thế mà ông trở thành nhà thơ?
Inrasara: Để trở thành bất cứ một cái gì trong cuộc đời, không riêng gì thơ, cũng có duyên may, sự đam mê và học tập không ngừng. Ngày xưa, trong sách lớp 4-5, cuối mỗi bài “Tập làm văn” đều có một câu ca dao; tôi thường lượm mấy câu đó ra, rồi thích thú ráp chúng lại thành một bài theo tứ – theo vần, ráp ngược ráp xuôi. Tôi nghĩ, đây cũng là cách bắt đầu với thơ của tôi.

Hiền Hòa: Ông phải ráp như thế trong bao lâu?
Inrasara: Lên lớp 7, tôi không còn yêu thích văn thơ nữa, thậm chí ghét. Nguyên do là, tôi viết một bài văn hay, nhưng thầy chỉ cho 5/20 điểm, phê ngay bằng bút mực đỏ: “chép theo sách”. Mãi tới năm 15-16 tuổi, tôi mới quay trở lại với thơ, và lần này là mê như điếu đổ, mê kiểu văn học sử – tầm chương trích cú.

Hiền Hòa: Thế còn từ năm 18 tuổi tới khi ông chính thức bước vào làm thơ?
Inrasara: Vào đại học, ban đầu học văn, nhưng do tính hay cãi thầy nên sau hai tháng, tôi thi sang học ngoại ngữ. Tôi ưa làm thơ triết lí, nhưng vẫn thích đọc và thuộc nhiều thể loại thơ khác nhau. Từ năm 20-25 tuổi, tôi đi đây đó và làm thơ (khoảng 100 bài thơ và hai trường ca). Ồ! Giá lúc đó tôi mang ra in, chắc phải trở thành một hiện tượng thơ rồi, một hiện tượng rất đáng cho trôi xuống sông Lu! Nhưng may là tôi mê đời nương rẫy, nên đốt chúng hết đi. Sau đó, làm những công việc như kế toán, biên soạn sách, từ điển… đã giúp tôi tĩnh tại hơn, xa rời dần sự cảm tính.
Thơ là một cái gì đó rất khó ước chừng, đến với nó sớm cũng không được, mà trễ cũng không xong. Tôi nghĩ, chỉ khi duy trì được và đủ sự say mê, thì một ngày nào đó thơ sẽ tự đến.

Hiền Hòa: Vậy theo ông, cốt yếu của việc học hay đọc văn chương, là tìm kiếm cái gì?
Inrasara: Đến với văn chương, nghĩa là đến với cái mới. Còn cái mới đó có phải là cái mới thật sự so với lịch sử hay không thì chẳng quan trọng lắm. Tôi có vài tác phẩm và vài đầu sách mà theo nhiều người là nên tái bản lại, nhưng tôi thấy không cần thiết, vì với tôi, nó hết mới rồi. Mà không mới thì dễ mất hứng thú. Dạy và học văn mà không giữ được hứng thú thì không có kết quả, nếu không muốn nói là sai lầm.

Hiền Hòa: Thế làm sao để có và giữ được hứng thú?
Inrasara: Khi bạn chưa bao giờ biết văn chương là gì, nay muốn đến với nó, thì hãy để mọi chuyện tự nhiên. Cứ đọc hết tác phẩm này đến tác phẩm kia, sẽ có một lúc sự đột biến xảy ra trong lòng và bạn sẽ thấy thích văn chương. Đừng bao giờ gò ép mình. Còn nếu bạn là người đã quen mặt văn chương rồi, thì hỹ biết cách dừng lại trước những cuốn sách; chỉ nên đọc tác phẩm nào mà mình cảm thấy cần thiết. Ngày xưa, khi còn trẻ, sách với tôi thì cuốn nào cũng cần thiết, nên đọc điên cuồng. Có cuốn, như Âm thanh và Cuồng nộ của W.Faulkner chẳng hạn, tôi đọc cả chục lần. Nếu là bây giờ, tôi chỉ đọc 2-3 lần thôi. Khoảng 6-7 năm nay, tôi đọc không hơn 20 tiểu thuyết, còn chủ yếu là đọc thơ và thi pháp thơ, tôi đang cần những thứ đó.

Lan Anh: Có ý kiến cho rằng những người viết trẻ hiện nay đang cố tình làm già mình đi, quá nhiều triết lí trong tác phẩm họ viết ra. Anh nghĩ sao?
Inrasara: Đúng, có hơi nhiều triết lí to con trong thơ. Chả cần thiết. Cuộc sống đang dàn ra trước ta bao nhiêu là vụ việc đáng suy tư, chúng đụng đến thân phận nhà thơ như một con người đồng thời như một công dân nữa. Khi ta suy tư rốt ráo, chúng thấm vào ta, và rồi, từ nơi sâu thẳm ta chúng toát ra trong mỗi cử chỉ, cái nháy mắt, lối ứng xử, lời nói và cả …thơ. Chứ gồng mình triết lí với nhăn trán siêu hình sớm ôi là …mệt!

Hồ Quốc Nhạc: Anh có theo dõi những cây viết trẻ hiện nay không? Xin anh một vài lời khuyên dành riêng cho họ. Những cây viết trẻ dân tộc Chăm có nhiều không? Anh có thể giới thiệu họ với Áo Trắng.
Inrasara: Tôi là kẻ rất siêng đọc họ, đọc kĩ nữa. Tôi học họ nhiều hơn là họ nghĩ. Ồ, làm học trò làm sao dám phân phát lời khuyên kia chứ. Nói thế không phải muốn vuốt đuôi các bạn thơ trẻ đâu!
Về Chăm ư? Qua 3 số Tagalau, tuyển tập sáng tác – sưu tầm – nghiên cứu Chăm do tôi chủ biên, có vài khuôn mặt khá triển vọng xuất hiện. Chính lớp nhỏ này sẽ làm nên hình dạng khuôn mặt văn học đa dân tộc Việt Nam ngày mai. Và, trước khi bước ra ngoài cánh đồng thi ca rộng lớn hơn, họ cũng cần qua cửa Áo trắng.

Lan Anh: Trong những năm gần đây, anh là người đạt nhiều giải thưởng của Hội Nhà văn, anh có phát biểu cảm nghĩ gì không? Làm sao anh viết được nhiều như vậy?
Inrasara: Mình viết văn gần như chuyên nghiệp, lúc ở quê làm nho hay thú y, cả thời lang bạt buôn bán nữa. Hứng, dứt tất cả – viết. Dù nổi hứng bất tử này đã làm hại khương gạo mình không ít. Đi – đọc – viết, đủ thể loại. Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện được in hay không, nói chi ăn giải. Còn giải thưởng ư? Được thì khoái chứ! Vui, rồi lại lên đường không ngoảnh lại. Vì chỉ có cái mới lạ mới lôi cuốn chúng ta vào cuộc tìm kiếm và sáng tạo.

Hồ Quốc Nhạc: Nhìn lại những sáng tác đọat giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam, cảm xúc của anh bây giờ thế nào? Anh “đúc kết” được gì sau những giải thưởng ấy?
Inrasara: Gần 20 năm mày mò viết, 20 năm ấy tôi chưa một lần gởi thơ đăng báo, rồi thì Tháp nắng có mặt, và đoạt luôn Giải thưởng của Hội Nhà văn VN. Đây là tập thơ hay của năm à? Câu đầu tiên đến với tôi thế. Vui, nhưng tôi nhanh chóng bỏ lại nó sau lưng, để làm phiêu lưu mới. Sau Sinh nhật cây xương rồng (1997), rồi thì Hành hương em (1999), Lễ tấy trần tháng Tư ra đời 2002. Và lần thứ hai, có Giải. Tôi thấy lạ, dù với vài bạn thơ, tập này đoạt giải không gì bất ngờ cả.
Đúc kết ư? Tôi nghĩ mỗi nhà văn cần tìm ra chất giọng riêng, sau đó – cố gắng giải thoát khỏi phong cách của tác phẩm trước đó. Để không lập lại mình. Tôi đã làm được điều đó chăng? Có lẽ!

Hồ Quốc Nhạc: Được biết anh còn là nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuậ¬t Chăm, lại là một doanh nhân nữa. Những công việc ấy “tréo và trợ” gì cho thơ anh?
Inrasara: Tôi làm gần như đủ nghề để kiếm sống. Tôi xem chúng như quãng thư giãn cần thiết, sau nhọc nhằn sáng tạo. Chúng trợ hơn là tréo: được nhìn cuộc sống từ nhiều góc độ, trường kinh nghiệm ta mở rộng, ngôn ngữ ta phong phú hơn. Tiếp xúc nhiều thành phần, giai cấp,.. ta dễ cảm thông với phận người hơn.
Nghiên cứu văn hóa Chăm cũng thế, chẳng những nó tiếp nguồn dưỡng chất cho sáng tác tôi mà còn giúp tôi nhận ra cái mòn cũ của ngôn từ, cách nhìn của bạn thơ và cả chính mình nữa.

Hồ Quốc Nhạc: Anh có làm thơ “Tân hình thức” không? Anh nghĩ gì về nó?
Inrasara: Có. Sau Lễ tẩy trần…, tôi tắc tị! Thực lòng mà nói, tân hình thức đã cứu tôi, ít ra trong giai đoạn vừa qua trong hành trình sáng tạo dài dặc. Tôi đã làm dàn xong 40 bài cho tập Chuyện 40 năm sau mới kể. Sau 19 bài, bận việc xa, hai tháng sau trở lại tôi tịt, không thể tiếp tục được nữa. Cứ tạm chấp nhận cái mới, lạ mà mình chưa hiểu – đó là phương châm tôi tự đặt ra cho mình. Bởi biết đâu, kinh nghiệm (cả kinh nghiệm thẩm mĩ) của mình lỗi thời lúc nào rồi mà mình không hay! Theo tôi, tân hình thức không chỉ là một thể thơ mới, một quan điểm thẩm mĩ mới, mà còn là một thái độ thơ. Còn việc vị nào nhét cái gì vào nó, lại là chuyện hoàn toàn khác. Không vì vài thứ “nhơ bẩn” được ném vào tân hình thức mà chúng ta phủi bỏ luôn “nhà” này. Uổng!

*
Lan Anh thực hiện, báo Mực tím, số 621, 04.2004.
Hồ Quốc Nhạc thực hiện, báo Áo trắng, số 81, 06.2004.
Hiền Hòa thực hiện, báo Mực tím, số 629, 06.2004.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *