Inrasara, Đứa con của gió đi tìm âm vang của lời

Inrasara, đứa con của gió đi tìm âm vang của lời
Hà Đình Nguyên thực hiện

“Tôi có chút tham vọng là sẽ xây dựng một bộ văn minh – văn hóa Chăm. Hiện nay tôi đã tạm hoàn chỉnh về lĩnh vực văn chương và ngôn ngữ. Về âm nhạc, tôi đã tập hợp được một số lớn tư liệu và đang tìm một nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc để cùng hợp tác biên soạn”.

Trong giới yêu thơ, nhiều người biết đến Inrasara – một nhà thơ người dân tộc Chăm với một phong cách thơ độc đáo và giàu triết lí. Năm qua, anh cho ra mắt tập thơ thứ 4 Lễ tẩy trần tháng tư (sau những tập Tháp nắng, Sinh nhật cây xương rồng, Hành hương em). Không chỉ làm thơ, Inrasara còn lặng lẽ sưu tầm – nghiên cứu văn hóa Chăm.

Inrasara sinh năm Đinh Dậu (1957) tại làng Cakleng – Mỹ Nghiệp. Calkeng là làng Chăm duy nhất có tên trên bia ký cổ Champa, nghĩa là đã có hơn nghìn năm. Inra là họ, Sara có nghĩa là muối. Gia đình thuộc dạng nông dân nghèo trâu thuê, ruộng rẽ quanh năm. Cha anh là một nông dân mẫu mực, ông cần cù lao động nuôi 5 đứa con (4 trai, 1 gái) ăn học. Ông cũng rất đam mê sách cổ, chính những đêm trăng thơ mộng nơi thôn trang được nghe cha ngâm thơ mà Inrasara thuộc nằm lòng Ariya Glơng Anak (thi phẩm cổ điển dân tộc Chăm). Có thể nói ngay từ thơ ấu, anh đã được người cha truyền vào hồn đam mê văn hóa Chăm.

* Thưa anh Inrasara, anh được biết đến như một người làm thơ và là một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Trước hết xin nói về thơ, cái thuở “Câu thơ đầu đời tôi kẻ bằng que khô lên vòm cát / Cây xương rồng nói với tôi nỗi vô thường của dấu chân qua…” (Sinh nhật cây xương rồng) là từ bao giờ?
Inrasara: Tôi làm thơ từ lúc 15 tuổi nhưng mãi đến năm 40 tuổi mới đăng báo bài thơ đầu tiên. Thực ra công việc chính của tôi là nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật về văn chương và ngôn ngữ Chăm. Tôi làm thơ vì yêu độ âm vang của lời là chính. Tôi yêu âm vang của lời từ thuở học lớp Một cho đến tận hôm nay. Các từ như: mặt đất, cái nhà, mùa mưa… là những chữ tôi thường dùng để thử ngòi bút hay dùng que vẽ lên cát. Âm vang của lời là nhạc tính, là ngữ nghĩa ẩn chìm, là cấu trúc lạ của từ và cả đời sống ở đằng sau lời. Tôi làm thơ song ngữ (Việt – Chăm) nhưng ít khi dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tôi học được nhiều điều từ nền thơ ca dân tộc Chăm: các thể thơ, ý tưởng và những cấu trúc bất ngờ, đứt quãng trong thơ cổ Chăm; bây giờ lại thấy rất hiện đại. Người Chăm cũng có thể thơ lục bát – ariya nhưng do tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm tiết nên cấu trúc có khác với lục bát Việt.

* Để nghiên cứu văn hóa Chăm, anh phải am hiểu văn tự Chăm. Anh học từ đâu và anh nghiên cứu được những gì?
Inrasara: Văn tự Chăm do tôi tự học là chính. Những chữ quá khó, hiếm gặp hoặc do viết tháu tôi phải đến các làng Chăm, hỏi các cụ già. Để hiểu một chữ có khi phải đi hết vài làng. Thực ra lúc đầu tôi chỉ có ý định chơi đùa với văn chương chữ nghĩa, nhưng sau thời gian dài sưu tầm, nghiên cứu, tôi thấy tiền nhân đã để lại một gia tài, di sản văn hóa rất lớn nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một… Văn hóa Chăm có 2 mảng lớn, đó là tạo hình (bao gồm cả kiến trúc, điêu khắc) và văn học. Lâu nay, người ta chỉ biết đến và tìm kiếm nhiều ở mảng tạo hình, còn văn học thì hầu như còn là một khu rừng nguyên sinh, hoang sơ chưa khai phá… Ngoài ra tôi cũng đang xúc tiến thành lập một nhà trưng bày mini các sản phẩm văn hóa Chăm. Riêng về lĩnh vực sáng tác (thơ, văn, nhạc, họa), tôi hiện là chủ biên Tuyển tập Tagalau do hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam xuất bản, tập hợp các sáng tác của các tác giả Chăm đương thời. Tuyển tập này đã ra được 2 số; hi vọng sẽ tiếp tục được ấn hành 2 số/năm. Ngoài sưu tầm, nghiên cứu, làm thơ tôi còn viết được khoảng 20 truyện ngắn và đang chuẩn bị ra mắt tiểu thuyết Đi tìm chân dung Chăm.

* Inrasara này, tôi đã đến thăm quan làng Mỹ Nghiệp và đã từng gặp vợ của anh, chị Thuận Thị Trụ – chủ Công ty dệt thổ cẩm ở đấy. Anh có thể tiết lộ đôi chút về người vợ cũng rất nổi tiếng trong cộng đồng người Chăm của mình?
Inrasara: Thuận Thị Trụ là tên Việt, tên Chăm của cô ấy là Hani (ong rừng). Hai đứa tôi tuy chung làng, nhưng từ nhỏ đã… mạnh ai nấy lang thang. Mãi đến năm tôi 27 tuổi, về làng và bị sét đánh. Cưới cái rụp. Hani đẹp có tiếng trong vùng Chăm. Hát hay, múa giỏi và có tinh thần xã hội, biết sống vì lợi ích cộng đồng như: xin công trình nước sạch về làng và xây trường mẫu giáo, đóng góp sách vở cho thư viện làng, phần thưởng cho học sinh hoặc tạo việc làm cho 200 chị em qua Công ty Thổ cẩm Inrahani mà cô ấy là giám đốc. Hani cũng từng đoạt giải B Văn học Thiếu nhi của Nxb.Kim Đồng qua tập thơ Em, hoa xương rồng và nắng.
* Xin cảm ơn anh!

*
Báo Thanh niên, 28.8.2003.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *