Trần Wũ Khang: Chân dung một nền văn học

Dân tộc Chăm, một dân tộc có bề dày lịch sử, đã cống hiến cho nền kiến trúc và điêu khắc Việt Nam “nhiều kiệt tác có thể sánh với những tác phẩm đẹp nhất thế giới” (Trần Kì Phương, Mĩ Sơn trong lịch sử nghệ thuật Chăm). Với xu hướng hòa nhập vào cộng đồng khu vực trong thời gian tới, người Chăm và văn hóa Champa cần được mọi người nhận biết đầy đủ và đúng đắn hơn lúc nào hết. Bởi vì, người Chăm “là một gạch nối giữa nước ta với Đông Nam Á – Hải đảo mà quan hệ nhiều mặt giữa đôi bên ngày càng trở nên mật thiết” (Giáo sư Phạm Huy Thông, Điêu khắc Chăm).

Mới đây, văn học Chăm đã được giới thiệu một cách trang trọng và kịp thời qua tác phẩm Văn học Chăm của một nhà nghiên cứu người Chăm hãy còn rất trẻ: Inrasara, 38 tuổi, hiện đang làm việc ở Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

Tác phẩm gồm hai phần: khái luận và văn tuyển. Ở phần khái luận, ngoài 30 trang dẫn nhập quan trọng và cần thiết, tác giả từng bước dẫn dắt người đọc đi vào 17 thế kỉ văn học của dân tộc Chăm, cả văn học viết với nhiều dẫn liệu thật phong phú. Như các dân tộc anh em khác, trong văn học dân gian của mình, người Chăm cũng có đầy đủ chủng loại: thần thoại, truyền thuyết (damnưy), tryện cổ tích (dalikal), ca dao (panwơc pađit), đồng dao (kadha rinaih adauh).v.v…với một số lượng tương đối lớn, theo đánh giá của tác giả.

Nhưng, những phân tích lí thú nhất của tác giả là chương III, chương bàn về văn học viết Chăm. Có thể nói đây là đóng góp quan trọng nhất của dân tộc Chăm vào nền văn học Việt Nam. Các tráng ca như: Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra…mà nguồn xuất phát được biết từ Mã Lai hay Ấn Độ; những tác phẩm trường ca trữ tình như: Ariya Bini – Cam, Ariya Cam – Bini, Ariya Xah Pakei…; những tập thơ về thế sự, thơ triết lí, gia huấn ca…đều được phân tích, xếp loại và giới thiệu một cách khái quát, nhưng không phải vì thế mà bài viết trở nên sơ lược.

Tiếc rằng tác giả đã “tạm gác lại” mục bàn về văn bia kí Chăm mà theo chỗ hiểu biết của chúng tôi, đây là một bộ phận văn học vô cùng phong phú và đặc sắc của dân tộc này. Dọc suốt dải đất miền Trung, chẳng phải người Chăm đã dựng văn bia hơn 10 thế kỉ là gì? (từ thế kỉ thứ IV đến XV – theo Lương Ninh). Nhưng nhìn chung, nhà nghiên cứu trẻ này đã thành công với ý định của mình. Bởi vì, sưu tầm được chừng ấy tư liệu đang nằm tản mác trong các làng Chăm thì đã khó. Càng khó hơn nữa là đọc mà hiểu được các văn bản chép tay ấy.
Và cũng cần nói thêm: dịch các tác phẩm văn học cổ của dân tộc mình sang tiếng phổ thông như Inrasara không phải là điều ai cũng làm được.

*
Báo Thanh niên, 06.05.1995.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *