Trúc Thông – bình Đứa con của Đất

Inrasara
ĐỨA CON CỦA ĐẤT

Tôi,
đứa con của ngọn gió lang thang cánh đồng miền Trung nhỏ hẹp
đứa con của nắng lửa bốn mùa cát trắng hanh hao
đứa con của biển khơi trùng trùng bão thét
và của đôi mắt tháp Chàm mất ngủ xanh xao.

Mẹ nuôi tôi bằng bầu sữa ca dao buồn
cha nuôi tôi bằng cánh tay săn Glơng Anak
ông nuôi tôi bằng vầng trăng sương mù truyền thuyết
plây nuôi tôi bằng bóng diều, hồn dế, tiếng mõ trâu.

Lớn lên,
tôi đụng đầu với chiến tranh
tôi cụng đầu với cơm áo, hiện sinh, hiện tượng
tôi chới với giữa dòng ngữ ngôn hoang đãng
rồi cuộn chìm trong thung lũng tình yêu em.

Tôi đánh rơi thế giới và tôi lạc mất tôi
tôi lạc mất điệu đwa buk, câu ariya, bụi ớt
trái tim đui,
tôi như người bị vứt
rớt giữa cánh rừng hoang trụi lá mùa xanh.

Rồi tôi ngóc đầu dậy và tôi trườn lên
rồi tôi rướn mình khỏi hố hang quá khứ
như kẻ bị thương mò tìm lối ra khỏi đống tan hoang thành phố
tôi tìm lại tôi
tìm thấy nắng quê hương!

Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy
lại chảy trong tôi – dù sông đã chết
chợt hanh lại cát – chợt buồn lại ru
chợt duyên lại em – chợt hoang lại tháp

Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu.

Lời bình – nhà thơ Trúc Thông

Luôn luôn cặp đôi cái cụ thể sờ nắm được với cái trừu tượng khơi mở. Những sự vật và khái niệm có thể cảm hiểu được đặt bên cạnh, hay ở ngay trong những sự vật và khái niệm ấy là những mông lung của cảm thức, những xa vợi âm thầm khó định nghĩa định hình… Đó là thơ ca chính hiệu mà vế đầu chỉ là tiền đề, vế sau mới quan trọng. Sự xâm chiếm giành phần ưu thế của cái khái quát, trừu tượng, mông lung đã cho ta cảm nhận được cái rộng và cái sâu trong “Đứa con của đất”.
Cá thể nhà thơ ấy được quy định bởi khí hậu, địa lí, điều kiện sống dữ dội, khắc nghiệt của miền đất ấy, cộng đồng ấy. Đồng thời anh được sâu sắc, mênh mang cùng với nền văn hoá vật chất và tinh thần vô tận của dân tộc ấy. Anh được nuôi dưỡng từ dòng sữa mẹ, và ý nghĩa hơn, quyết định hơn là anh giành lại được nền văn hoá là tất cả ý nghĩa đời anh ấy, vượt qua bao máu lửa của chiến tranh, bao hoang mang của một cuộc hỗn loạn triết học hiện đại.
Hai đoạn giữa là những câu thơ co thắt quằn quại, dồn tới nhịp quật khởi, dứt điểm:
Tôi tìm lại tôi
Tìm thấy nắng quê hương
!
Để vuột ra những câu thơ cuối giải thoát cao trào, nhịp điệu được dãn ruỗi, tứ thơ được mãn nguyện ở cấp độ sâu hơn, diệu vợi hơn:
Lại xanh trong tôi – dù rừng đã cháy…
… Giọng mẹ xa vời dỗ giấc thiên thu
.
Cú pháp những câu thơ này mang màu sắc hiện đại, thật thích. Những thi liệu rừng, sông, cát, tháp, em và mẹ rất cũ. Bằng tư duy nghệ thuật mà chỉ thơ mới có, Inrasara đã đem những định lượng mới nới mênh mang cho những định vị ngàn năm.

*
Trong Tuyển tập văn học Dân tộc & MN III, Nxb.Giáo dục, H., 1999.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *