Nhà văn trẻ nghĩ gì, hiểu gì, đọc gì về văn chương?

Vietnamnet, 23&25.07.2007.

LTS: Nhà văn Việt Nam hiện nay, họ là ai? Họ quan niệm thế nào về chính mình và công việc viết văn? Họ có sẵn sàng đi tiếp con đường mà họ đã dấn vào vì những lý do khác nhau không? Họ đang tích lũy những gì? Họ đang có những dự định gì và quan tâm đến điều gì?
Chúng tôi đã đặt cùng một số câu hỏi cho một số nhà văn, những người viết trẻ hoặc không trẻ lắm về tuổi đời nhưng đang tỏ ra sung sức trong nghề, những người hiển nhiên sẽ thuộc thành phần chính của văn đàn Việt Nam trong khoảng 1-2 thập niên tới.
Dĩ nhiên, bức chân dung này không tránh khỏi ít nhiều phiến diện, dẫu vậy, qua những câu trả lời của họ, ta có thể hình dung phần nào diện mạo của nền văn học Việt hiện nay cũng như trong tương lai gần, một nền văn học mà về nhiều phương diện là chưa trưởng thành, và liệu ta có thể tin rằng văn chương Việt có vượt qua chính nó được không?

____________

Inrasara, nhà thơ và nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, đã in tiểu thuyết Chân dung cát.

Nguyễn Danh Lam là tác giả tiểu thuyết Bến vô thường Giữa vòng vây trần gian.

Nguyễn Ngọc Thuần đã có nhiều tác phẩm được giải thưởng như Một thiên nằm mộng, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ.

Nguyễn Thế Hoàng Linh từng gây dư luận với tác phẩm Chuyện của thiên tài.

Nguyễn Thúy Hằng, cuốn bộ ba gây nhiều tranh cãi Thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý.

Nguyễn Vĩnh Nguyên, tác giả tập truyện ngắn Năm, mười, mười lăm, hai mươiKhu vườn lưu lạc.

Thuận, các tiểu thuyết Chinatown, Paris 11 tháng 8T mất tích.

Trần Thu Trang, tác giả cuốn Phải lấy người như anhCocktail cho tình yêu, được nhiều người biết đến như một trong các tác giả tiên phong về văn chương trên mạng và blog văn chương.
_______________________________________
Sau đây là trích đoạn của Inrasara.

Bạn tìm gì ở văn chương? Bạn có tự gọi mình là nhà văn?
Inrasara: Tôi là nhà văn. Văn chương là một cách khám phá mình, bên cạnh khám phá thế giới xung quanh ở một tầng, bề khác. Khám phá mình và sau đó, thay đổi mình.

Bạn tự thấy mình có phẩm chất gì và thiếu những phẩm chất gì đối với nhà văn?
Inrasara: Có lẽ là máu thích phiêu lưu khai phá. Còn thiếu điều gì thì tôi không biết được.

Hiện nay bạn đang làm những gì? Bạn có đang viết không?
Inrasara: Vẫn đang viết. Bế tắc thơ, tôi quay sang văn xuôi hoặc làm nghiên cứu, phê bình. Không nổi nữa thì tôi dịch hay lang thang qua các xóm làng để ghi chép. Tôi vừa xong tiểu luận Song thoại với cái mới. Và bắt đầu dấn vào cuốn tiểu thuyết thứ hai. Dĩ nhiên tôi vẫn tiếp tục các tập tiếp theo của bộ Tủ sách Văn học Chăm gồm 10tập.

Bạn đang có những dự định gì? Bạn hình dung chính mình như thế nào trong 10 năm tới?
Inrasara: Câu này đã có ở trên rồi. Còn 10 năm sau nữa thì xa quá, không muốn hình dung.

Ý kiến bạn thế nào về một câu hỏi không mới nhưng vẫn chưa bao giờ cũ: làm thế nào để văn chương Việt Nam có được tác phẩm lớn?
Inrasara: Thế nào là tác phẩm lớn? Chúng ta vẫn chưa rốt ráo trả lời câu hỏi đó. Vấn đề nền tảng nhất với nhà văn mọi thời là hắn thường xuyên lưu trú nơi vùng ngoại ô của Quê hương. Nói theo ngôn ngữ của M.Heidegger: cư trú gần bên Nỗi chết. Hoặc quyết liệt như Đức Phật: Vô bố úy. Hay cụ thể và gần gũi hơn – W.Faulkner: nhà văn thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi. Chỉ khi đó hắn mới nói đến sáng tạo.

Nhà văn và tác phẩm trong/ngoài nước nào ảnh hưởng đến cách viết của bạn? Tại sao?
Inrasara: Có thể kể tên: Ariya Glơng Anak (tác phẩm cổ điển của Chăm), Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Hưng Quốc, Đức Phật, Long Thọ, M.Heidegger, F.Nietzsche, J.Krishnamurti, R.Maria Rilke, W.Faulkner, Y.Bonnefoy, và vài tác giả khác nữa. Ảnh hưởng nhập nhằng giữa tư tưởng và cách viết, khó phân biệt. Tư tưởng thâm trầm được thể hiện qua bút pháp phiêu lãng; họ xây dựng được thế giới ngôn ngữ riêng và nhất là viết văn rất đẹp – một cái đẹp đa chiều! Có tác giả chưa đạt được cả ba nhưng không thể dưới hai trong ba tố chất đó.

Bạn có quan tâm đến những trường phái, xu hướng, chủ nghĩa, lý thuyết… hiện nay trong văn chương thế giới, chẳng hạn như hậu hiện đại? Thái độ của bạn đối với chúng như thế nào?
Inrasara: Có, nhiều nữa là khác. Bằng thái độ trân trọng và cầu thị. Đành là chủ nghĩa hay trường phái chưa chắc làm nên tác giả lớn, nhưng các trào lưu khả năng làm văn đàn sôi động và làm giàu văn chương. Chúng mở ra nhiều hướng mới cho một nền văn học tù đọng.

Bạn có đọc được tiếng nước ngoài không? Bạn có cảm thấy cần phải biết ngoại ngữ (ít nhất là một) để đọc văn chương bằng tiếng nước ngoài không?
Inrasara: Có – tiếng Anh, Pháp và tiếng …Chăm, dĩ nhiên đọc hơi chậm. Biết thêm ngôn ngữ khác, là cần thiết. Sách nghiên cứu hay sách công cụ thì có thể tin vào bản dịch tốt; nhưng với văn chương và nhất là triết học, dù nền dịch thuật có phát triển tới đâu đi nữa, đọc nguyên tác vẫn tốt và khoái hơn nhiều.

Bạn thường đọc những gì? Bạn quan niệm thế nào về sự đọc?
Inrasara: Đọc thơ đương đại là chính – tiếng Việt, Anh, Mĩ và Pháp. Từ hai năm qua, tôi theo dõi các trào lưu (lí thuyết) văn chương mới; bên cạnh các tác phẩm triết học mới. Vài tên tuổi cũ tôi luôn trở lại: M.Heidegger, Ludwig Wittgenstein, Jacques Derrida, Michel Foucault, và phần nào: F.Nietzsche.

Bạn nghĩ thế nào về Hội Nhà văn Việt Nam? Nếu chưa là hội viên, bạn có ý định gia nhập Hội không? Tại sao?
Inrasara: Hội Nhà văn – không vấn đề gì cả. Hội cũng cần thiết cho sinh hoạt văn chương, miễn nhà văn hay người ngoài đừng quá nghiêm trọng nó. Hơn nữa, chớ xem Hội như là mục tiêu phấn đấu, ngôi thứ tranh giành.

Giá trị lớn nhất của văn chương, văn chương nói chung và/hoặc văn chương của bản thân bạn, là gì?
Inrasara: Văn chương buộc ta nhìn lại những gì ta chỉ lướt qua [hay nó lướt qua ta] trong cuộc thường nhật. Văn chương gây cảm hứng và kích thích cuộc đời. Muốn thế nó phải mới, lạ và, đẹp. Cái đẹp cho ngôn ngữ và bởi ngôn ngữ.

Điều bạn quan tâm nhất lúc này là gì? Bạn có cho rằng thực tại Việt Nam hiện nay là một trong những kho đề tài phong phú nhất của nhà văn như một số người vẫn nói hay không?
Inrasara: Các hệ tư tưởng. Triết học và tôn giáo với những hệ lụy của nó. Chăm đã dung hóa được Bàlamôn với Hồi giáo (công lớn của Ppo Rome, 1627-1651, không những cho Champa mà cho cả nhân loại) để thành đạo Bàni rất độc đáo. Có lẽ đây là trường hợp duy nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng để có thành tựu đó, Champa đã trả giá bằng chính sự tồn tại của mình. Thực tại Việt Nam là số dzách rồi!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *