Đàng Năng Hòa: Xung quanh tình sử Chế Mân – Huyền Trân

Thời Trần, quan hệ Đại Việt – Champa đã thay đổi đáng chú ý, gắn bó và hòa hợp mật thiết với nhau. Cùng đoàn kết đấu tranh chống lại xâm lược tàn bạo của đế quốc Nguyên – Mông, họ đều ý thức rằng đó là kẻ thù chung của khu vực nên đã kiên quyết một lòng đấu tranh đánh đuổi quân giặc ra khỏi bờ cõi đất nước, giành lại hòa bình cho lãnh thổ mỗi nước.
Xuất phát từ những mối quan hệ đó, nhằm thắt chặt tình bang giao hữu nghị lâu dài, vua Trần đã đi xa hơn nữa, bằng việc môi giới cho Chế Mân (Jaya Simhavarman III) là vua Champa sánh duyên với Huyền Trân nàng công chúa Đại Việt.
Theo Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục (quyển VIII), vào tháng 3 năm Tân Sửu (1301), hiệu Hưng Long thứ 9, đời vua Trần Nhân Tông, lúc bấy giờ Đức Thượng hoàng là Trần Nhân Tông đã truyền ngôi cho con ở núi Yên Tử, muốn lịch lãm khắp núi sông thiên hạ, nên mới du phương rồi sang Chiêm Thành. Ngài rất thích thú với đất nước kỳ diệu này, nên đã lưu lại hơn nửa năm trời để thưởng ngoạn và tìm hiểu phong tục tập quán của dân tộc Chăm. Cảm kích trước tài năng lỗi lạc của Chế Mân và tinh thần hiếu khách của đất nước Champa, để thắt chặt tình hòa hiếu giữa hai nhà nước, Trần Nhân Tông đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vị vua phương Nam là Chế Mân.
Mãi đến tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) tức 5 năm sau, Chế Mân dâng hai châu Ô và Lý làm sinh lễ. Huyền Trân Công chúa chính thức lên xe hoa về nhà chồng. Xin nói rõ là lúc bấy giờ Chế Mân đã có vợ chính thức người xứ Java – hoàng hậu Tapasi. Khi về Chiêm Thành, Huyền Trân Công chúa được phong chức Paramecvari.

Lâu nay cứ mỗi lần nhắc đến chuyện Huyền Trân Công chúa sang Chiêm Thành làm vợ Chế Mân, chúng ta thường liên tưởng đến những câu ca dao mà người đời sau thêu dệt cho có chuyện để nói như:
“Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo”
Hay
“Tiếc thay hạt gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần lửa rơm”
Mấy câu ca dao mang tính phê phán này làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Có phải thực tế vua Chế Mân là “thằng Mán”, “thằng Mường” hay “nước đục” như lời ca dao ấy không? Chúng tôi không ngại dông dài khi phác họa vài nét về chân dung cũng như sự nghiệp của Chế Mân.

Chế Mân (Jaya Simhavarman III), làm vua được 19 năm (1288-1307). Là vị vua tài năng lỗi lạc, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á. Tiếng tăm của ông đã đến tại Thượng hoàng nhà Trần, một người mà Trúc Lâm Đại Sĩ Nhân Tông đã rất có cảm tình từ 18 năm trước. Khi đó, Chế Mân còn là một thái tử trẻ tuổi nhưng đầy dũng cảm, tài ba và mưu lược. Chúng ta nên nhớ rằng vua cha Trần Nhân Tông là một người đứng đầu phái Trúc Lâm, đạo hiệu là Trúc Lâm đại sĩ.
Vậy việc ông gả Huyền Trân Công chúa cho Chế Mân không phải vì được Chế Mân tôn kính, hậu đãi. Đãi một nhà sư khổ hạnh thì phải thế nào gọi là hậu? Sở dĩ có việc này là do lòng cảm phục của Thượng hoàng đối với Chế Mân là một vị vua trẻ tài ba. Cảm tình này đã nhen nhúm trước đó, kể từ năm 1283 là năm Chế Mân đã anh dũng lãnh đạo nhân dân Champa đứng lên chống quân Nguyên Mông. Lúc đó, vua Trần đã phái 2 vạn quân và 500 chiếc thuyền sang tiếp viện cho Chế Mân. Nên khi sang Champa, được việc gần gũi Chế Mân, tận mắt chứng kiến những việc làm của Chế Mân, Trần Nhân Tông quyết định gả con gái mình cho người vị vua trẻ Champa. Con mắt xét người của Trúc Lâm đại sĩ không phải nhầm lẫn, trải qua một thời gian dài cân nhắc kỹ lưỡng nên mới đi đến quyết định một việc tối quan trọng này. Giữa một bên là vua của một nước hùng mạnh, tài ba lỗi lạc, sánh duyên với một Công chúa sắc đẹp tuyệt trần hẳn là đôi uyên ương đẹp đôi vừa lứa, môn đăng hộ đối. Nhưng tiếc thay con mắt “cận thị” của người đời không thấu suốt sự việc, nhìn vấn đề một cách phiến diện, không khách quan, thêu dệt cho nhiều để tiện việc viết kịch và cải lương!
Chẳng bao lâu, sự việc đã thay đổi sau gần một năm chung sống với nhau, Chế Mân bị mệnh yểu (1307), Công chúa Huyền Trân được triều đình Champa cho phép trở về quê cha. Không phải như các tài liệu đã viết, theo phong tục Chăm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu là không chính xác, đấy không phải là phong tục, mà việc đó chỉ là thể hiện lòng chung thủy, tình sâu nghĩa nặng đối với người chồng mà thôi. Nên Công chúa không lên giàn hỏa thiêu, mà được trở về quê cha là điều không cần phải bàn. Ở đây không có chuyện anh hùng Trần Khắc Chung dùng mưu lược để chiếm Công chúa.

Xung quanh mối tình sử có một điều mà chúng ta cần phải minh định lại. Có ý kiến cho rằng Chế Đa Da là con của Huyền Trân với Chế Mân. Điều này là thiếu cơ sở, bởi đám cưới Huyền Trân và Chế Mân diễn ra vào tháng 6 năm 1306, mà tháng 5 năm 1307 Chế Mân mất. Vì vậy, nếu Công chúa có con với Chế mân thì hoàng tử lúc này chỉ mới một tháng tuổi, trong khi vua kế tục Chế Mân (tức Chế Đa Da) lúc ấy đã 33 tuổi. Đấy là việc hoàn toàn sai sự thật, cần phải đính chính lại.
Tóm lại, qua mối tình sử này, quan hệ tốt đẹp giữa Đại Việt và Champa được hàn gắn, thắt chặt hơn. Lịch sử hai nhà nước đã có bước phát triển mới. Nhưng tiếc thay lịch sử mỗi thời mỗi khác, nên kéo theo việc nhìn nhận vấn đề diễn biến theo thời cuộc. Nên việc khen hay chê, mỉa mai hay thương xót, tất cả dư luận trên chỉ là “bia miệng”. Đối với người viết bài này chỉ có mong muốn có một sự khách quan trong quá trình nhìn nhận vấn đề lịch sử… Người đời sau vẫn khắc ghi tên tuổi của nàng Công chúa Huyền Trân xinh đẹp đã có công trong mối quan hệ Chăm – Việt tốt đẹp này.

Ngày nay, vương quốc Champa đã không còn nữa, trở thành một bộ phận nước Việt Nam thống nhất, tộc người Chăm cũng đã hòa nhập vào cộng đồng dân tộc anh em, cùng hòa thuận, bình đẳng với nhau xây dựng nước Việt Nam văn minh tiến bộ.

*
Trong Tagalau1.

4 thoughts on “Đàng Năng Hòa: Xung quanh tình sử Chế Mân – Huyền Trân

  1. Cảm ơn anh về những lời giải thích về vị vua lỗi lạc Chế Mân.
    Qua bài viết của anh tôi có một số thắc mắc mong anh giải đáp dùm!
    Thứ nhất, việc anh viết “Công chúa Huyền Trân được triều đình Chămpa cho phép trở về quê cha” là thiếu cơ sở bởi vì lẽ sau: Vua mất sau khi lấy Huyền Trân mới 1 năm (6/1306 – 5/1307), chẳng lẽ triều đình Chămpa không hề nghi ngờ gì về cái chết của vua Chế Mân có liên quan đến cô Công chúa này mà cho về một cách dễ dàng như vậy.
    Thứ hai, tôi đồng ý với anh là không có chuyện Trần Khắc Chung cướp Huyền Trân về “Ở đây không có chuyện anh hùng Trần Khắc Chung dùng mưu lược để chiếm Công chúa.” cũng như việc đưa Huyền Trân lên giàn hỏa thêu là không đúng sự thật. Vậy tại sao Huyền Trân được an toàn trở về quê nhà? Đây là một nghi vấn lớn. Phải chăng, phía Đại Việt đã dự tính cho cái chết của Chế Mân và đã lên kế hoạch đưa Huyền Trân về sau cái chết đó.
    Thứ ba, anh viết “Xung quanh mối tình sử có một điều mà chúng ta cần phải minh định lại. Có ý kiến cho rằng Chế Đa Da là con của Huyền Trân với Chế Mân. Điều này là thiếu cơ sở, bởi đám cưới Huyền Trân và Chế Mân diễn ra vào tháng 6 năm 1306, mà tháng 5 năm 1307 Chế Mân mất. Vì vậy, nếu Công chúa có con với Chế mân thì hoàng tử lúc này chỉ mới một tháng tuổi, trong khi vua kế tục Chế Mân (tức Chế Đa Da) lúc ấy đã 33 tuổi. Đấy là việc hoàn toàn sai sự thật, cần phải đính chính lại”. Anh có thể xem lại đoạn viết này được đăng trên với tựa đề . Theo bài viết này thì Chế Chi (con cả của Chế Mân với Hoàng Hậu Java) mới là người kế thừa ngai vàng.
    Đến đoạn cuối anh kết luận: “Đối với người viết bài này chỉ có mong muốn có một sự khách quan trong quá trình nhìn nhận vấn đề lịch sử… Người đời sau vẫn khắc ghi tên tuổi của nàng Công chúa Huyền Trân xinh đẹp đã có công trong mối quan hệ Chăm – Việt tốt đẹp này.” Anh nên nói rõ là .Thử làm phép so sánh đơn giản về cuộc hôn nhân này: thì quả thật không tương xứng chút nào cả.
    Tóm lại, Đại Việt đã có âm mưu sát hại Chế Mân nên mới có cuộc hôn nhân chính trị này. Đúng hơn, vua chúa Đại Việt là kẻ chủ mưu và Huyền Trân là tay sai của họ trong việc sát hại vua Chế Mân. Kết quả của cuộc hôn nhân này cũng chẳng có gì tốt đẹp. Nếu có thì cũng chỉ mang lại lợi ích cho phía Đại Việt mà thôi, còn phía Chămpa vừa bị mất vua vừa mất đất.

  2. Mấy hôm nay em cũng đang tìm hiểu về vấn đề này. Đọc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư tập II do NXB Khoa Học Xã Hội soạn, năm 1998, đến trang 91, có nói về thế tử Chế Đa Da. Thấy vô lý. Không hiểu tại sao.

    Có lẽ tam sao thất bản, mỗi lần ghi chép lại sai một tí, nên lịch sử có những lỗi sai vô lý như vậy?

    Rút cuộc, Chế Đa Da là ai?

    Nếu là con của Chế Mân và Huyền Trân thì lúc đó chỉ là bào thai trong bụng mẹ hoặc cùng lắm là mới sinh thành, làm sao có thể “sai sứ thần Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng”?

  3. Đọc tiếp cái này, thấy giải thích có vẻ là hợp lý hơn:

    http://www.vuthanhquockhanh.com/trang13.htm

    + Sau khi Vua Chế Mân mất, Huyền Trân Công Chúa phải lên giàn hỏa thiêu, lý giải cho việc kéo giãn thời gian để quan quân nhà Trần có thể tới cứu, đó là vì Huyền Trân đã mang thai thái tử Chế Đa Da. Nên đợi đến lúc sinh con xong thì người mẹ mới phải lên giàn hỏa.
    +Còn lệnh cho Bảo Lộc Kê đem lễ vật và bạch tượng sang Đại Việt báo tang, là nhân danh Chế Đa Da (hãy còn đỏ hỏn) mà thôi.

  4. 1/ Không ai mạo hiểm tính mạng con gái mình, huống chi TNT lúc đó đã thoái vị, từ bỏ vương quyền để ngao du, tu hành
    2/ Chỉ có hoàng hậu thứ nhất,và nếu được hội đồng hoàng giá đồng ý thì mới được hỏa thiêu cùng vua. Ở đây hoàng hậu thứ 2 người Java được về nước, Huyền Trân cũng vậy. Không có chuyện lập mưu cướp
    3/ Chế Chí không phải là Chế Đa Da, và có lẽ HT đã phải để con thơ ở lại. Đó là lý do nàng công chúa qui y.
    Vài ý trao đổi với Xuan on!

Leave a Reply to xuân Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *