Văn học dân gian Chăm, Tục ngữ – Câu đố

Nxb.Văn hóa Dân tộc & Trường Đại học Tổng hợp Tp.HCM, 1995.
262 trang, khổ 13x19cm.
Không đề giá bán.

Mục lục
– Lời tựa của Nguyễn văn Lịch, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – ĐNÁ.
– Lời giới thiệu của Chu Xuân Diên.
– Lời nói đầu.

Chương I. Phần Dẫn nhập
I.1. Con đường tìm đến tục ngữ – câu đố Chăm
I.2. Vấn đề thuật ngữ.
I.3. Tục ngữ
I.4. Thành ngữ
I.5. Câu đố
Chương II. Phần văn tuyển
Tục ngữ: Phân theo nội dung: Dân tộc, nguồn cội – Giàu/ngheo – Phong tục…
Chương III. Chú thích.
Tư liệu tham khảo.

LỜI GIỚI THIỆU

Trong lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Việt Nam đa dân tộc, văn hóa của người Chăm chiếm một vị trí đáng chú ý. Bởi vì văn hóa của người Chăm không những chỉ được coi như một biểu hiện độc đáo về tính đa dạng của văn hóa Việt Nam, mà còn góp phần tạo nên một sắc thái riêng trong văn hóa của người Việt và một vài tộc người khác nữa.
Nghiên cứu văn hóa của người Chăm trong bối cảnh của nền văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa Đông Nam Á nói chung, vì vậy đã là đề tài hấp dẫn nhiều nhà khoa học Việt Nam và nước ngoài.
Nhiều tư liệu quí về văn hóa của người Chăm đã được công bố và đánh giá, trong đó có những tư liệu về văn học, chủ yếu là văn học dân gian.
Trong văn học dân gian Chăm, một phần quan trọng các truyện cổ dân gian đã được sưu tập, giới thiệu từ rất sớm. Sự phong phú của truyện cổ dân gian Chăm góp gợi ý về một sự phong phú có thể không kém của các thể loại folklore ngôn từ khác như sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, câu đố… Đáng tiếc là cho đến nay, các thể loại ấy của văn học dân gian Chăm chưa được khai thác nhiều. Tập sách nhỏ Tục ngữ, thành ngữ, câu đố này của Inrasara là một bổ khuyết cho tình hình ấy của việc sưu tầm và nghiên cứu văn học, văn hóa Chăm.

Tác giả là người Chăm nên đã có nhiều thuận lợi trong việc sưu tầm và thích nghĩa các câu tục ngữ, thành ngữ, câu đố. Đây là những đơn vị folklore ngôn từ chỉ có thể được hiểu một cách chính xác khi chúng được gắn với những đặc điểm rất riêng của ngôn ngữ và văn hóa tộc người. Các chú thích của tác giả bước đầu đã cho người đọc thấy giữa tục ngữ, thành ngữ, câu đố của người Chăm và người Việt vừa có những nét tương đồng và có những nét khác biệt, và do đó có thể gợi ý một sự nghiên cứu so sánh văn hóa dân gian hai dân tộc, trên các phương diện lối sống, lối nghĩ và lối nói.

Trong các loại công trình sưu tầm và giới thiệu tục ngữ, thành ngữ các dân tộc ở Việt Nam, tác gải muốn coi đây là một “đóng góp khiêm tốn”. Trong tình hình sưu tầm và nghiên cứu văn học, văn hóa Chăm hiện nay như đã nói trên, chúng tôi muốn đánh giá cao những đóng góp khiêm tốn ấy của tác giả và xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Việt và Chăm cuốn sách nhỏ này.

Tp.Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng 7 năm 1993.
Chu Xuân Diên

*
LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn Văn học dân gian Chăm này là một phần của bộ Văn học Chăm, khái luận-văn tuyển, gồm 3 tập.

Chương1. Phần dẫn nhập:
Giới thiệu khái quát về tình hình nghiên cứu, sưu tầm cũng như nội dung cơ bản của Tục ngữ – Thành ngữ – Câu đố Chăm.

Chương2. Phần văn tuyển:
Được chia làm 3 mục: Tục ngữ – Thành ngữ – Câu đố.
Thứ tự câu tục ngữ được xếp theo nội dung, còn 2 mục sau theo vần của mẫu tự akhar thrah. Ở trong một đơn vị, trình tự của từng phần được xếp như sau:
– Câu ghi bằng chữ akhar thrah.
– Chuyển tự sang chữ cái Latin. Chúng tôi sử dụng hệ thống chuyến tự được dùng trong Từ điển Chăm – Việt do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc Trường Đại học Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh chủ trì biên soạn (đã in năm 1995).
– Và cuối cùng là phần dịch sang tiếng Việt.

Để bạn đọc, mức độ nào đó, có thể nắm được văn phong Chăm hay lối suy nghĩ của người Chăm, chúng tôi cố gắng theo sát nguyên bản khi chuyển dịch. Dĩ nhiên lối dịch này dẫn tới sự tối nghĩa ở câu tiếng Việt. Gặp trường hợp như thế, chúng tôi dịch thoát ý bằng câu khác có đánh dấu “~”; hay lắm lúc đối chiếu với tục ngữ, thành ngữ Việt tương đương, được kí hiệu bằng dấu “=”. Riêng với từ Chăm không có từ tương đương bên tiếng Việt, hoặc những câu khó hiểu đối với bạn đọc Chăm trẻ tuổi hay với người chưa được trang bị kiến thức về văn hóa-văn minh Chăm nói chung, chúng tôi sẽ có các chú thcch riêng. Phần này được đưa ra ở cuối sách, sau phần văn tuyển.

Viết cuốn Văn học dân gian Chăm này, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ về mặt tư liệu của các vị và các bạn:
– Ông Lâm Nài, Phanrí – Bình Thuận.
– Cả sư Hán Bằng, Mĩ Nghiệp – Ninh Thuận.
– Ông Mưdwơn Hán Phải, Chung Mĩ – Ninh Thuận.
– Ông Lưu Ngọc Hiến, Mĩ Nghiệp – Ninh Thuận.
– Thầy Đàng Năng Quạ, Phước Hữu – Ninh Thuận.
– Ông Nguyễn Văn Tỷ, Trưởng ban BBSSChữ Chăm – Ninh Thuận.
– Ông Nguyễn Ngọc Đảo, Cán bộ nghiên cứu BBSSChữ Chăm – Ninh Thuận.
– Ông Lương Đắc Có, Phanrí – Bình Thuận.
– Ông Sử Văn Ngọc, Vĩnh Thuận – Ninh Thuận.
– Bạn Kinh Duy Trịnh, Tuy Phong – Bình Thuận.
– Bạn Lưu Văn Đảo, Hữu Đức – Ninh Thuận.

Trong thời gian sửa chữa, bản thảo của tập sách này hân hạnh được các vị nhân sĩ trí thức Chăm: Ông Trượng Văn Sinh, Hữu Đức – Ninh Thuận, ông Quảng Đại Tựu, Tp.Hồ Chí Minh, bạn Quảng Đại Cẩn, Cán bộ nghiên cứu BBSSChữ Chăm – Ninh Thuận, đọc kĩ lại và đã có nhiều ý kiến đóng góp quý báu.
Nhân dịp tập sách nhỏ này ra đời, chúng tôi xin chân thành ghi nhận tấm lòng thiện chí của các vị và các bạn. Chúng tôi xin tỏ lòng biết ơn thầy Bùi Khánh Thế, người đã đọc bản thảo và có những chỉ dẫn quan trọng cho công trình này; cám ơn giáo sư Chu Xuân Diên đã đọc bản thảo lần cuối cùng và đóng góp những ý kiến quý giá. Cuối cùng, chúng tôi bày tỏ lòng tri ân thầy Nguyễn Văn Lịch và Trung tâm nghiên cứu Việt Nam – ĐNÁ về những khuyến khích và giúp đỡ để cuốn sách này sớm ấn hành.
Tp.Hồ Chí Minh, ngày 10.02.1993.
Inrasara

Dư luận – trích
*

Cuốn sách Văn học dân gian Chăm đóng góp một phần quan trọng vào việc tìm hiểu vốn cổ của một dân tộc đã có những cống hiến không nhỏ vào nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam.
Báo Thanh niên, 11.1995.
*
Cuộc hành trình gần hai mươi năm đi tìm kho báu văn học Chăm của Inrasara là cả một chặng đường dài khám phá và sáng tạo. May thay, con đường lặng lẽ, xa hun hút ấy, nay Inrasara đã đi gần tới đích.
Nguyễn Đăng Cương, Báo Phụ nữ Tp.HCM, 30.04.1994.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *