Chuyện chữ

CHUYỆN CHỮ

(2005)

Chữ có cuộc sống riêng của nó, từ sinh thành cho đến lúc lâm chung. Thăng trầm và biến dịch khôn lường. Chữ sống, bước đi, đứng, ngủ, thở dốc; chữ an ủi vỗ về, tạo ảo tưởng, thăng hoa hay hành hạ tâm hồn con người; chữ bị thương, bị làm biến nghĩa, biến dạng, biến chất; chữ đau bệnh, kiệt sức, hết hơi, giẫy chết; cuối cùng chữ bị khai tử và được mang trưng bày trang trọng trong viện bảo tàng…

Đời chữ Chăm cũng vậy. Và còn hơn thế, có lẽ.

Ba mươi năm lang thang, ăn dầm ở dề cùng chữ hay đôi lúc chán nản, toan rời bỏ chữ, tôi vui cái vui của chữ, đau đớn, dằn vặt với chữ, trưởng thành qua hay chịu muôn ngàn hệ lụy với/của chữ,…Ba mươi năm, để được trả giá: tôi hiểu chữ là một trong vài bí mật của thế giới mà “ẩn ngữ” của nó không bao giờ khai mở hết cho con người.

1. Chuyện Phauk Dhar Cơk, ông họ nội tôi.

Hành vi, thái độ kì quặc của ông trở thành trò đàm tiếu của dân làng Caklaing những năm 50, 60 hãy còn quạnh hiu, yên ắng; riêng với tuổi trẻ tôi, nó có sức hấp dẫn kì lạ! Chuyện nửa đêm nhóm lửa xông hơi bằng thứ lá cây đến ma cũng hãi nói chi người, hay hút tẩu chỉ thở bằng một lỗ mũi, vụ ông già sáu mươi đứng tấn thách thanh niên song phi ngang vai. Bao nhiêu là chuyện lạ lẫm tạo hiếu kì cho người nhà quê rỗi việc. Ông có thể ngồi bán già, tay này nắm ngón chân cái bên kia, nhảy cái phốc qua cán cuốc cao đến hai tấc trước mặt; rồi cả tuần mới tắm một lần, lại chỉ đứng giữa sông làm phù phép mà không cho giọt nước dính vào mình mẩy, thì dân làng chỉ được hân hạnh thưởng lãm một lần trong đời!

Thêm thứ tính khí thất thường khiến năm bà dì tôi dẫu dễ dãi cỡ nào cũng không thể cưu mang ông nổi một tháng. Ông xách độc cái vali gỗ đời thuộc địa đầu thế kỉ dời chốn trú ngụ. Lại đến lại đi, cứ thế, sống như loài kí sinh vào những người cháu tốt bụng! Trong đám cháu ông, có lẽ tôi là kẻ phá đám ông xăng xái hơn cả. Nhưng lạ! Ông ưa tìm tôi trút bầu tâm sự nhất – khi cần. Và rồi, năm tôi chẵn tuổi hai chục, ông quyết định truyền thứ võ Chăm cho tôi, bằng lối dạy thiếu khoa học nghiêm trọng. Tôi học đâu khoảng ba tháng, thế là ông bí mật bắt tôi uống thứ dung dịch trời ơi trong đêm làm lễ nhập môn. Lén thấy ông lơ ý, tôi vụt bỏ chạy. Từ đó ông rời Caklaing đi mất tiếng lục lạc ngựa…

Người bảo ông tàng tàng, kẻ nói ông lập dị, không ít vị cho ông bất phùng thời. Thôi thì đủ cả. Dù gì thì gì, lối lí giải khiến không ai phải giơ tay xin ý kiến nữa, là: Ông bị ăn chữ/Bbơng Akhar!

AKHAR là gì? Là CHỮ.

Akhar trong tiếng Chăm có nguồn gốc từ tiếng Pali: akkhara, là chữ viết, chữ (cái), chữ, tự dạng; ngôi sao. Vay mượn tiếng Pali, Chăm để rụng mất nguyên âm cuối: A (trường hợp phổ biến trong tiếng Chăm), để thành akhar. Có mấy lối viết chữ Chăm:

Akhar di hayap: chữ trên bia đá, nói chung.

Akhar rik: chữ cổ, chữ thánh, lối viết hoa.

Akhar yok: chữ bí ẩn, lối viết thay dấu âm bằng chữ cái.

Akhar twơr: chữ treo, lối viết tắt.

Akhar galimưng: chữ con nhện, lối viết tháu.

Akhar thrah: chữ thẳng, chữ thông dụng, lối viết thường dùng.

Akhar mưtai: chữ chết, lối viết kéo dài chữ cái dùng làm phụ âm cuối của từ.(1)

Ngoài ra, akhar còn kết hợp với vài từ khác để tạo thành từ ghép như:

Akhar xarak: chữ viết nói chung (xarak: kí, viết).

Akhar tapơng: chữ gốc, sách cổ, bản gốc.

Akhar tapuk: chữ nghĩa, kiến thức…..

Bbơng akhar là gì? Là Ăn chữ! Là bị chữ ăn/akhar bbơng, bị sách hành. Khi ta hiểu văn bản trật, khi ta dùng sai mục đích của sách, hoặc ta ứng xử không phải phép với chữ!(2) Người Chăm nói: Bbơng akhar bbơng aw/Ăn chữ ăn áo. Akhar/chữ đồng âm với Khan/váy. Lối đọc trại làm biến nghĩa của quần chúng như để đùa cợt kẻ sở hữu nhiều sách mà không biết cách dùng sách, tự hành hạ mình đồng thời gây phiền hà cho người xung quanh.

Phauk Dhar Cơk có rơi vào trường hợp này không? Ai dám đoan chắc, ai – những kẻ tài hèn trí mọn của thế hệ hôm nay? Ông là ngọn núi cao ngất hay chỉ là ao tù bé nhỏ, cạn cợt? Ông mất năm 1984, vừa đúng thất thập, sau cuộc hành trình 5 năm khất thực quy hồi cố hương. Vali chữ ông thất lạc nơi đâu? Ai biết được? Và ai dám biết, dám dùng nó? Con người lập dị này mãi đến hôm nay vẫn còn là một bí ẩn…

2. Dân tộc Chăm biết sử dụng chữ viết từ khá sớm. Bia Võ Cạnh (Nha Trang) – năm 192 sau Công nguyên, được xem là bia kí đầu tiên bằng chữ Phạn ở Đông Nam Á. Cũng vậy, bia Đông Yên Châu thuộc hệ thống bia Mĩ Sơn được khắc vào cuối thế kỉ thứ IV, là minh văn bằng chữ bản địa có mặt sớm nhất trong khu vực.

Người Chăm hãnh diện về truyền thống đó, nên họ rất quý sách (có chữ). Chữ là chữ của thần thánh, tuyệt không ai được phép sử dụng giấy có chữ viết làm giấy loại hay giấy vệ sinh. Văn minh Champa chưa trải qua kĩ thuật in ấn, sách càng hiếm thì họ lại càng quý chữ. Akayet Um Mưrup được xem là tác phẩm tuyên truyền tông giáo Islam vào xã hội Chăm, nhưng người Chăm Bàlamôn không bao giờ có ý đốt nó đi khi bắt gặp nó trong ciet sách gia đình nào đó. Không được phép truyền, nhưng không tiêu hủy. Lạ!(3)

Huyền thoại

Huyền thoại về kho sách cổ cất giấu trong các hang núi vùng Phan Rang, Phan Rí từ thế kỉ XVII-XVIII được truyền tụng trong dân gian Chăm như là một ám ảnh. Nhiều người biết đến nó nhưng không ai biết đích xác nó như thế nào hay ở đâu. Làng Kunhuk thuộc huyện Ninh Phước – Ninh Thuận, giai thoại còn kể rằng có gia đình người Raglai hằng năm phải cúng thần một con dê để mở cửa chăm sóc kho sách được cất giấu dưới động núi Càná.

Xa hơn, vào thế kỉ XI, giai đoạn Lưu Kì Tông làm vua vương quốc Champa, hàng chục chiếc tàu của hoàng tộc Chăm sang đảo Hải Nam lánh nạn, chở theo đầy sách. Gần ngàn năm không ai dùng đến, sách đã mục đến không thể giở ra đọc được. Nhưng tất cả chỉ là những nghe và kể lại.

Gần đây, vào khoảng năm 1985, tình cờ người ta khám phá thấy kho sách Chăm với 3000 văn bản bị bỏ rơi từ thế chiến thứ II trong một hòn đảo thuộc Ấn Độ Dương. Toàn bộ tư liệu được đưa về kho lưu trữ bên Pháp. Nhưng mãi đến lúc này, chưa tìm đâu người để đọc và phân loại chúng. Và đó cũng chỉ là nghe nói!

Thực tế

Người Pháp, do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, lại là người đi đầu trong sưu tầm và nghiên cứu văn bản Chăm. Với hơn 250 bi kí thu thập được từ đầu thế kỉ đến nay, họ đã dịch và ấn hành một tài liệu dày dặn 300 trang quý giá(4). Đó là minh văn trên bia đá được sáng tạo bằng hai thứ tiếng Sanskrit và Chăm cổ từ thế kỉ III đến thế kỉ XV nằm rải rác suốt dải đất miền Trung, nơi ngày xưa từng là khu vực phát triển phồn thịnh của văn hóa – tông giáo Champa.

Riêng về bản chép tay, Trường Viễn Đông bác cổ Pháp (EFEO) vào năm 1977 cũng cho ra đời một thư mục – mà mỗi văn bản chỉ ghi câu đầu và cuối, dày 200 trang in(5). Họ hứa hẹn còn có tập tiếp theo nữa.

Tưởng người Pháp, trong thời gian xâm chiếm Việt Nam, đã “vơ vét” của dân tộc này hết rồi. Nhưng không! Người Chăm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, vẫn còn lưu giữ ciet sách gia đình. Họ xem chúng như gia bảo không dễ gì đụng đến. Gần như mỗi gia đình trí thức Chăm đều có ít nhất một ciet sách. 20 năm lang thang các làng mạc, tôi đã chép tay khoảng 300 văn bản, trong đó hơn 100 thuộc phạm trù văn học(6). Sau đó, năm 1994, Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm – Ninh Thuận cũng đã chụp được từng ấy bản nữa. Đấy là chúng ta còn chưa có chương trình lớn và toàn diện. Những cuốn sách treo mòn kí ức mãi đón chờ bước chân nhiệt tình của các nhà nghiên cứu. Kiên nhẫn và miệt mài…

Người Chăm bảo quản sách như thế nào?

Sách Chăm được chép trên giấy bản Tàu, trước kia: trên những miếng lá buông ghép lại với lỗ để xỏ dây xâu lại thành tập. Sau này, thời Pháp, họ dùng giấy xi măng, dù thô nhưng khá bền. Giấy, bút, mực hiếm và khá đắt nên mỗi trang giấy có ghi chữ Chăm họ đều rất quý. Cách đây không lâu, phải tốn một xe trâu thóc (800 kg) mới thuê được thợ chép sách để có nguyên tác Akayet Dewa Mưno chỉ dài 460 câu lục bát Chăm.

Sách được cất vào ciet paung (như rương đan bằng tre lát) và treo trang trọng lên xà ngang ngay giữa nhà. Định kì hàng tháng, với lễ vật đơn sơ, người Chăm làm lễ rước nó xuống mang hong nắng. Sách lâu ngày không được dùng tới gọi là sách hoang (akhar bhaw), rất không hay cho chủ nhân của chúng.

3. Chuyện Akhar bhaw

Lại câu chuyện có thật tại một làng Chăm, bí ẩn và làm đau lòng!

Anh bạn rất thân của tôi. Sau Giải phóng, đứt quãng học hành và không việc làm, chúng tôi lang thang đồng trên lũng dưới bẫy chuột, thọc ếch, tán dóc,…Thân sinh anh có “tủ sách” đến 4 ciet paung lớn. Rảnh, tôi lục tìm bản thảo văn chương, cặm cụi chép. Tôi chép cả ngàn trang trên nhiều loại giấy khác nhau. Vào làm sinh viên Đại học Sư phạm 1977, tôi mang cả vào Tp.Hồ Chí Minh. Để rồi chưa đầy năm sau, bỏ giảng đường, tôi giao lại cho cánh bạn. Tất cả chúng đã thất tán, khi sự cố định mệnh đẩy bạn trẻ tứ tán người một ngả. Bao công sức tuổi trẻ tôi đổ sông đổ biển…

Tủ sách của gia đình anh bạn vẫn được cất giữ chu đáo, bởi con cháu. Năm tháng qua, vài mảnh bị đánh mất, có lẽ, nhưng không nhiều. Bởi đến mùa rét năm 1992, khi vào làm việc tại Đại học tổng hợp, người của gia đình anh vẫn cho tôi mượn cả ba bao sách đầy để sao chụp. Thế nhưng, hơn chục năm sau thôi, chúng đã bị cho trôi sông trôi biển…Không bởi sự cố nào, mà chỉ bởi quan niệm: akhar bhaw!

Bhaw, tiếng Việt là hoang. Không phải như hoang trong từ bỏ hoang, nghĩa là chỉ không được chăm sóc, sử dụng một thời gian, chứ không vĩnh viễn. Ở nghĩa này, Chăm có từ bilơw, trong từ hamu klak bilơw/ruộng bỏ hoang, kamei bilơw/phụ nữ chưa chồng. Còn Bhaw là hoang mãi mãi, hoang không thể cứu vãn. Mưtai Bhaw/chết hoang, chết không có ai ngó tới, không được thực hiện đủ nghi thức tín ngưỡng cần thiết. Chúng ta chỉ sống một lần trong đời, khi bị chết hoang, cái chết không xảy ra lần nữa cho ta cứu vãn sai lầm phạm phải. Vĩnh viễn phải chịu án.

Akhar bhaw cũng vậy. Chữ – sách không được làm lễ mang xuống phơi nắng tháng một lần, không được đọc tới, chúng trở thành hoang! Có thể tháng sau hay năm tới ông sẽ ngó ngàng tới, nhưng thứ chi khác thì được, với chữ – đừng hòng: chúng đã thành hoang! Đây là quan niệm rất lành mạnh và trí tuệ. Kẻ sĩ một ngày không đọc sách, soi gương, mặt mũi không ra cái gì cả! Một ngày thôi đã vậy, nói chi cả tháng sách bị bỏ hoang. Ông đã ứng xử với nó thế, nó tỏ thái độ với ông ngay: nó quay sang hành ông! Làm cho ông điêu đứng vì nó, gia đình ông hoạn nạn bởi nó.

Vào mùa thu năm 2002, nghe Cei Halim Mưh phán: bởi gia đình đang bỏ mặc cho Akhar bhaw/Sách hoang nên Sách hành/Akhar bbơng! Đúng sai không biết. Thế là ngay tuần sau, cả 4 ciet sách với bao công lao cả mồ hôi lẫn nước mắt của ông bà bị con cháu làm lễ đơn sơ, vội vã, để nửa đêm mang thả xuống sông Lu. Tất cả! Chữ bị trả về với sông nước, cát bụi…

4. Chuyện chữ Chăm là truyện dài nhiều tập, hấp dẫn, với những biến tấu bất ngờ và, hậu quả thì không ma nào lường trước được.

Để chỉ kẻ dốt nát, dân gian có thành ngữ: O hu akhar K wak gilaung tauk/Không có chữ K treo lỗ đít (K là chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Chăm).

Với thành phần thực dụng, chữ là một trở ngại không nhỏ: Akhar o buh tamư gauk hu/Chữ (nhiều cũng) không bỏ vào nồi được.

Blơk, pơh akhar/Giở sách là từ hàm nghĩa hay, tốt; nhưng để chơi khăm kẻ ưa khoe sách, đụng phải chuyện gì cũng khất để về nhà giở sách xem thánh hiền viết thế nào đã, Chăm bày ra tiếng đồng âm: Blơk khan/Vén váy để đùa nghịch. Đối tượng có nước ngọng!

Kẻ ích kỉ, cất sách riêng xài, ưa giấu chữ bằng lối viết bí ẩn hoặc chỉ mỗi tác phẩm mà chép vào 3,4 tập (bbon) khác nhau để ví sách có bị đánh cắp, người sở hữu tiếp sau không biết đường mà lần, bị lên án là ppadơp akhar – giấu chữ.

Nói lí, cãi lí, cao đàm khoát luận triết học cao siêu được gọi là ppacoh/pacauh xakarai. Xakarai hay xakkarai nghĩa là triết lí, lịch sử, luận lí,.. xuất hiện qua/trong chữ. Nó ăn nhờ ở đậu chữ, kí sinh chữ nhưng cũng đóng góp phần mình vào sự phồn vinh của chữ. Dân tộc có chữ sớm cũng là dân tộc có lịch sử lâu dài, có triết học và văn học thành văn phát triển nền tảng.

Sách quý, hiếm gọi là akhar taduk ciet/sách đáy chiết.

Tính linh thiêng được ban cho chữ, nên mới có akhar nưbi/chữ thánh.

Lối viết tháu, muốn đọc thì phải pacannư/suy luận: Jơl di G pwơc L, jơl di L pwơc G/Bí chữ G thì đọc sang chữ L, kẹt chữ L thì đọc sang chữ G, được coi như một thách thức lớn với đám học trò mới tập làm quen với sách vở thánh hiền.

Chính mắc kẹt bởi lối viết này, thêm vài cách phát âm bất hợp lí (ví dụ: viết một chữ kauk/con cò, trắng mà phát âm 3 kiểu khác nhau) mà Ban biên soạn sách chữ Chăm phải ra sức chuẩn hóa cách viết, đọc. “Chuẩn hóa” này đã gây vài phản ứng (cả đàm tiếu) dây chuyền trong giới chữ nghĩa Chăm: “Mẹ” thời đại mới vừa bị cho mọc râu! (chữ Maik/mẹ được thêm nét dấu âm để phân biệt với chữ maik/thôi). Theo các vị, cứ đà này thì râu chữ còn mọc đến lúc lên giàn lửa mới thôi!

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến chữ Chăm Latin. Thôi thì vô thiên lủng! Ai muốn viết sao thì tùy lòng. Phiên âm đã nhiều, chuyển tự cũng không hiếm. Aymonier và A.Cabaton, tác giả Từ điển Chăm – Pháp, có lối của mình; sau đó là David Blood rồi, Nguyễn Bạt Tụy viết kiểu khác. Cứ thế. Nhóm nghiên cứu về Chăm thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ những năm 80 đã có lối chuyển tự, sang đầu thế kỉ mới lại nổi hứng đề xuất lối viết khác. Bùi Khánh Thế có cách phiên âm và chuyển tự riêng trong Từ điển Chăm-Việt, Từ điển Việt – Chăm do mình chủ biên. Không ai là không thiếu cái lí lẽ riêng/chung. Cả tôi, cũng dự phần: chỉnh sửa vài nét/chữ cái tương đương rút từ hai cuốn Từ điển tôi có cộng tác biên soạn!

Và, câu chuyện chữ cứ thế liên tục tập tiếp theo…

Chú thích

(1) E.Aymonier & A.Cabaton, Dictionnaire Cam Francais, Paris 1906, p. 3.

(2) Xem thêm: Ăn chữ, truyện ngắn của Trà Vigia (Evan, 2004); Ăn chữ thơ Inrasara, Tienve.org (2004).

(3) Inrasara, Văn học Chăm I, VHDT, H., 1994, tr.140.

(4) Etudes Épigraphiques sur le Pays Cham, réunies par Claude Jacques, EFEO, Paris, 1995.

(5) P.B.Lafont, P.Dharma, Nara Vija, Catalogue des manuscrits Cam des Bibliothèques Francaice, Paris, 1977.

(6) Inrasara, Văn học Chăm I, VHDT, H., 1994, Phần phụ lục.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *